Ngày 7-9, các trường ĐH, CĐ chính thức “khóa sổ” xét tuyển nguyện vọng (NV) 2. Không còn tình trạng phải xếp hàng rút hồ sơ, nộp hồ sơ, 10 ngày xét tuyển NV2 diễn ra khá yên ả.
Công cũng thiếu
Năm nay, với quy định có điểm rồi mới đăng ký xét tuyển NV nên thí sinh có nhiều cơ hội để trúng tuyển NV1. Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, đợt 1, các trường ĐH đã tuyển được 2/3 thí sinh, những đợt còn lại chỉ còn 1/3 thí sinh. Trong đó, những đợt tuyển bổ sung chủ yếu dành cho các trường tốp dưới và những ngành khó tuyển sinh. Tuy nhiên, có một thực tế, nếu thí sinh đã không lựa chọn từ đầu thì chắc chắn sẽ khó lựa chọn lần sau.
Trong suốt thời gian qua, chưa năm nào ĐH Lâm nghiệp Việt Nam lại khó tuyển sinh như năm nay. Theo thông báo của trường, đợt 1, trường tuyển được 600/2.850 chỉ tiêu cơ sở 1. Đợt 2 tính đến ngày 7-9, trường tuyển được 679 chỉ tiêu. Như vậy, cả 2 đợt, trường tuyển chưa được 50% chỉ tiêu được giao. Phân tích về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục cho biết, mọi năm, vì thí sinh bị “đóng” vào NV1 ngay từ đầu nên các em không có nhiều quyền lựa chọn. Do đó, bắt buộc phải lựa chọn những trường vừa sức hoặc dưới sức của mình thì cơ hội đỗ ĐH mới chắc ăn. Chính vì vậy, các trường tốp dưới mọi năm đều có lượng lớn thí sinh đăng ký dự thi và khi đã đủ điểm chuẩn vào trường, thí sinh không có quyền đi trường khác. Nhưng năm nay, tình thế đã thay đổi 360 độ. “Do đó, nếu thí sinh đã không chọn từ đầu thì sẽ không chọn những NV sau”, vị chuyên gia chia sẻ.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: M.T |
Tại ĐH Sư phạm Hà Nội, trường tuyển bổ sung một số ngành. Nhưng đến ngày chốt sổ, ngành sư phạm nghệ thuật mới chỉ có 1 hồ sơ trong tổng số 32 chỉ tiêu.
Tính đến ngày cuối xét tuyển bổ sung NV2, chỉ một số trường có số lượng hồ sơ đủ hoặc nhiều hơn chỉ tiêu như ĐH Điện lực, ĐH Văn hóa, ĐH Sư phạm Hà Nội. Đây chủ yếu là các trường công và nằm ở khu vực trung tâm của Hà Nội.
Trường tư: Thí sinh – em ở đâu?
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Vũ Văn Hóa cho biết tính đến nay trường còn khoảng 3.000 chỉ tiêu. Số hồ sơ mà trường nhận được trong đợt này mới trên 1.000. Trường cũng lo lắng tình trạng thí sinh ảo. Ông Hóa cho biết, trường đang đề nghị Bộ GD-ĐT cho xét tuyển bằng cả học bạ THPT. Trong khi đó, mọi năm, ĐH Kinh doanh và Công nghệ tuy là trường ngoài công lập nhưng vẫn tổ chức 3 chung theo Bộ GD-ĐT và những năm gần đây, nguồn tuyển của trường luôn dồi dào. Thậm chí có năm NV1 đã gần đủ chỉ tiêu. Năm nay, không hiểu sao tình trạng tuyển sinh lại khó như thế? Sau NV2, trường sẽ tiếp tục xét tuyển NV3. Còn ĐH Nguyễn Trãi, hết NV2 trường thu được 500 hồ sơ trong tổng số 800 chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số này thực chất có bao nhiêu thí sinh đến học lại là chuyện khác. Chính vì vậy, trường sẽ tuyển đến hết tháng 10 theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Còn tại ĐH Đại Nam, Trưởng phòng Đào tạo Lê Thị Thanh Hương cho biết, trường đã tuyển được 700/1.000 chỉ tiêu. Con số này là tạm ổn. Nhưng cũng có ngành không thể tuyển sinh. Đó là ngành kỹ thuật hóa dầu, không có thí sinh nộp hồ sơ. “Qua tìm hiểu thì ngành này của ĐH Mỏ địa chất cũng đang rất khó tuyển sinh”, bà Hương nhấn mạnh.
Ngoài ĐH Đại Nam thì tình hình tuyển sinh tại ĐH Thăng Long cũng không gặp khó khăn nhiều. Lượng thí sinh đến đăng ký tuyển sinh và trúng tuyển tương đối ổn định như những năm qua.
Tuy nhiên, các trường ĐH địa phương mới thực sự khó khăn. Một số trường những năm trước đã khó thì năm nay càng khó hơn như ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định). Số lượng hồ sơ đổ về các trường này rất ít hoặc thậm chí không có. Đây là bức tranh tuyển sinh chung của các trường ĐH địa phương.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)