Nhóm học sinh THCS đang trao đổi về một vấn đề trong tiết học môn toán. Ảnh: D.Bình |
Phương pháp dự án là một trong những phương pháp dạy học hiện đại đáp ứng được nhiều yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Phương pháp dự án (PPDA) ra đời dựa trên nền tảng của tư tưởng triết học hiện đại, theo đó giáo dục không đơn giản chỉ là chuẩn bị cho trẻ bước vào đời mà phải thực sự giúp trẻ trải nghiệm trong chính đời sống thực tiễn. Cụ thể, PPDA hướng tới phát triển năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm; học kết hợp với hành; tạo cơ hội cho học sinh có những trải nghiệm cuộc sống; khơi gợi hứng thú học tập, rèn luyện những kỹ năng sống thông qua quá trình làm việc nhóm; tham gia giải quyết những vấn đề, những mục tiêu của dự án do chính học sinh đề xuất.
Tất nhiên không thể khẳng định rằng PPDA là chiếc đũa thần có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của giáo dục. Nhưng sự thực, PPDA là trường hợp của một quan điểm sư phạm đã vượt khỏi biên giới của một quốc gia và đã mang tầm vóc quốc tế khi đã được nghiên cứu, ứng dụng ở hàng loạt nước phát triển cũng như đang phát triển. Trong PPDA, học sinh tích cực tham gia vào quá trình học tập chứ không phải là người tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Trong các hoạt động theo PPDA, giáo viên đóng vai trò của một nhà tư vấn giúp học sinh tiếp thu kiến thức mới rèn luyện kỹ năng và phát huy năng lực của các em nhưng không hề làm thay những công việc của học sinh.
Ở đây, trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin nêu vài kinh nghiệm mà trong quá trình ứng dụng PPDA, nếu không lưu ý đúng mức nhiều giáo viên mới bắt đầu làm quen với phương pháp này có thể mắc phải:
Thứ nhất, khái niệm PPDA trong thực tế đã được một số thầy cô giáo chuyển hướng thành dạy học theo chủ đề. Các chủ đề này lại do chính các thầy cô đưa ra chứ không thật sự nảy sinh từ sáng kiến của học sinh. Và như thế, từ yêu cầu của PPDA là phát huy sáng kiến của học sinh lại trở thành phát huy sáng kiến của giáo viên. Thứ hai, yêu cầu của PPDA là giáo viên chỉ đóng vai trò của người tư vấn hay cố vấn, có thể gợi ý đề tài lĩnh vực để kích thích học sinh tham gia dự án một cách hứng thú, tuyệt đối không được làm thay công việc của các em. Nhưng trong thực tế nhiều giáo viên đã áp đặt kế hoạch của mình, và học sinh chỉ còn là những người thực hiện kế hoạch của giáo viên. Mặc dù dự án được thực hiện theo cách này vẫn mang lại hiệu quả nhất định nhưng điều đó chủ yếu chỉ là thành tích của giáo viên, có thể được xem như một phương pháp dạy học tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của PPDA và chưa thể hiện được tinh thần của triết lý giáo dục mới. Thứ ba, những vấn đề của dự án phải được đề xuất chính từ sự hứng thú tìm tòi của học sinh nhưng trong thực tế một số vấn đề này lại do chính giáo viên đề xuất. Điều này chẳng những tước đi niềm vui sáng tạo mà còn đánh mất cơ hội hình thành động lực học tập cho học sinh. Thứ tư, một số giáo viên chỉ giới hạn dự án trong chương trình giáo dục chứ chưa mạnh dạn khuyến khích học sinh đề xuất những dự án liên quan đến đời sống thực tiễn để giúp các em có những trải nghiệm từ chính thực tiễn đời sống là nơi hiện thực hóa năng lực, những kỹ năng sống giúp học sinh làm quen với việc nhận diện và giải quyết những vấn đề của chính mình trong đời sống thực tiễn. Thứ năm, mặc dù PPDA không phải là chiếc chìa khóa vạn năng của giáo dục nhưng ẩn phía sau phương pháp thu hút được sự chú ý của nhiều nhà sư phạm trên thế giới này là những quan niệm sư phạm hiện đại, những triết lý giáo dục nhân văn và khoa học. Nếu vận dụng một cách tùy tiện, hời hợt thì rất dễ biến PPDA thành một thứ thủ thuật mang tính chất thời thượng như đã được cảnh báo trước đây.
ThS. Bùi Thủy Ngân (Trường Trung học Thực hành Sài Gòn)
Giúp học sinh phát huy năng lực tiềm tàng Dạy học theo dự án được đánh giá là một hình thức của hoạt động học tập trong đó nhóm người học xác định một chủ đề làm việc, thống nhất một nội dung làm việc, tự lập kế hoạch và tiến hành công việc để dẫn đến một sự kết thúc có ý nghĩa, thường xuất hiện một sản phẩm có thể trình ra được. Dạy học theo dự án còn được hiểu là một mô hình tổ chức học tập xung quanh dự án. Các dự án có nhiệm vụ phức tạp, dựa trên các câu hỏi hay vấn đề đầy thử thách đòi hỏi học sinh phải thiết kế, giải quyết vấn đề hoặc tiến hành các hoạt động điều tra. Trong khi đó, học theo dự án là hoạt động học tập nhằm tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập và áp dụng một cách sáng tạo vào cuộc sống thực tế. Có thể coi đây là phương pháp dạy học hiện đại, thông qua quá trình học theo dự án, học sinh phát huy được năng lực tiềm tàng cũng như định hình được những giá trị của bản thân giúp cho các em có khả năng hòa nhập và thích ứng cùng nhịp phát triển của xã hội. |
Bình luận (0)