Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con bằng nhân cách của mình

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình thầy Phận trong ngày cưới của cậu con trai út Nguyễn Gia Hưng

Về ấp Cửu Hòa – xã Thân Cửu Nghĩa – huyện Châu Thành – Tiền Giang, hỏi gia đình “thầy giáo Phận” thì hầu như ai cũng biết. Tuy ông bà không có nhiều tiền bạc nhưng các con chính là tài sản vô giá mà ông bà sở hữu được.

Vượt khó nuôi con

Ông tên Nguyễn Văn Phận, sinh năm 1948, bà tên Nguyễn Thị Sáu, sinh cùng năm với ông. Chính hoàn cảnh nghèo khó của cả hai gia đình nông dân đã giúp cho ông bà thông cảm và yêu thương nhau trong suốt những năm còn là sinh viên của Trường  Sư phạm Long An. Năm 1970, ông bà cùng tốt nghiệp ra trường và được bổ nhiệm về công tác ở Trường Long Khánh – Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, ông làm Hiệu trưởng, còn bà làm giáo viên dạy văn. Thời gian ông bà lấy nhau, khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhất là khi đứa con gái đầu lòng – Nguyễn Bích Hạnh (1973) ra đời. Đồng lương giáo viên thời bao cấp rất thấp, gạo được cung cấp theo kiểu 15-18 ký/tháng, thịt chỉ có 7-8 lạng/tháng. Vừa nuôi con, ông bà còn phải phụ gia đình hai bên nuôi các em và ông bà nội ngoại già yếu. Năm 1975, ông bà quyết định rời Hồng Ngự về Tiền Giang dạy ở Trường Tiểu học Thân Cửu Nghĩa. Từ hai bàn tay trắng, với căn chòi nhỏ, ông bà đã cố gắng hết sức mình vừa đi dạy, vừa làm thêm, dành dụm mua được bốn công đất làm vườn, rẫy và xây cất lại căn nhà đàng hoàng hơn. Và niềm vui của hai vợ chồng càng được nhân lên khi cô con gái đầu lòng thi đậu vào Khoa Anh Trường ĐH Sư phạm – TP.HCM. Sau đó, cô con gái tiếp theo, Nguyễn Ngọc Hồng Hạnh (sinh năm 1976) lại đậu vào ĐH Đà Lạt. Ông kể: “Nhớ hồi ấy, mỗi lần lãnh lương xong, chúng tôi không bao giờ dám mang tiền về nhà mà đi liền đến bưu điện gửi cho hai con. Những tháng hè các con về, chúng tôi luôn che mắt các con bằng cách mua thịt về ăn. Nhưng khi các con trở lên trường, chúng tôi “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”…”.

Từ lâu, ông bà đã quan niệm: “Cái khó không bó cái khôn”, nếu các con chịu học, dù có bán hết sản nghiệp vẫn lo đầu tư vào. Chính quan niệm ấy mà cả năm người con của ông bà đều được cho ăn học đến nơi đến chốn. Đối với nghề nghiệp tương lai, ông bà luôn để các con tự chọn, chỉ đóng vai trò tham mưu chứ không ép buộc. Ông luôn động viên, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các con, giúp các con phát huy được sở trường của mình.

“Quả ngọt”

Tiếp nhận lời dạy bảo của ba mẹ, cả ba người con của ông bà luôn ngoan ngoãn, yêu thương nhau và rất hiếu thảo với ba mẹ, sống cần kiệm, chịu khó học hỏi cầu tiến. Vượt qua nhiều khó khăn, để bây giờ ông bà thu về cho mình những “quả ngọt” đáng tự hào. Chị Nguyễn Bích Hạnh tốt nghiệp Khoa Anh ĐH Sư phạm, sau một thời gian đi dạy hợp đồng cho các trường trung học tại TP.HCM, hiện là trưởng phòng một công ty quảng cáo. Chị Nguyễn Ngọc Hồng Hạnh đang là giảng viên  Trường ĐH Tiền Giang. Anh Nguyễn Quang Hưng (sinh năm 1978) tốt nghiệp Khoa Tin học Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, hiện đang là giảng viên tin học tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Chị Nguyễn Dung Hạnh đang giảng dạy tại Trường CĐ Sư phạm Tiền Giang. Cậu con trai út Nguyễn Gia Hưng là một  kỹ sư cơ khí giỏi. Còn ông bà hiện đã về hưu, ở nhà chăm sóc cho các cháu nội – ngoại.

Dù rất muốn cả ba người con tiếp bước con đường của mình, nhưng thầy cô vẫn tôn trọng con trong việc lựa chọn nghề nghiệp, để các con tự lựa chọn ngành học hợp với năng lực và sở thích, thầy cô luôn quan tâm nhắc nhở các con về ý thức công dân, sống cho trong sạch, đúng pháp luật. Tiếp nhận lời dạy bảo của ba mẹ, cả ba người con của thầy cô luôn ngoan ngoãn, yêu thương nhau và rất hiếu thảo với ba mẹ, sống cần kiệm, chịu khó học hỏi cầu tiến.

Ông bà cho biết: “Là nhà giáo nên chúng tôi luôn dạy con bằng chính nhân cách sống của mình. Mặc dù cuộc sống của gia đình nhà giáo không giàu có nhưng chúng tôi rất hạnh phúc vì vợ chồng thuận hòa, con cái hiếu thảo, học giỏi, yêu nghề. Hạnh phúc này đôi khi có nhiều tiền cũng không thể mua được…”.

Bài, ảnh: PHÚC NGUYỄN

Bình luận (0)