Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làng chài trên… núi

Tạp Chí Giáo Dục

Những đứa trẻ chưa được “khai sinh”, hàng ngày vẫn sống lênh đênh trên mặt nước

Quốc lộ 28 đèo dốc quanh co dẫn chúng tôi tới làng chài nhỏ nằm lọt thỏm giữa lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Làng chài của “dân tứ xứ” tồn tại như tách bạch hoàn toàn với cuộc sống nhộn nhịp, hối hả bên ngoài. Người trong làng này, bao năm vẫn luôn mang trong mình khát vọng đổi đời.

Làng chài nghèo của “dân ngụ cư”

Con đường đất dẫn từ quốc lộ 28 vào làng chài nhão nhoẹt, vàng quánh vì cơn mưa chiều qua. Một vùng nước đục ngầu, bao bọc xung quanh là những ụ đất cao hiện ra trước mắt chúng tôi. Người dân gọi đây là xóm chài – cái xóm nhỏ là nơi sinh sống của năm hộ gia đình.

Hôm nay xóm đi vắng hết, người thì đi đánh cá, mò ốc từ sáng sớm, người thì về thăm quê đã ba bốn hôm nay. Cả xóm chỉ còn chị Miên Thị Mới (25 tuổi) đang ở nhà coi đứa con nhỏ. Dẫn chúng tôi vào “nhà” nói chuyện, chị chia sẻ: “Do không có đất sản xuất, nhà lại nghèo nên phải “tha phương cầu thực”. Năm sáu năm trước, mẹ chồng cùng gia đình người anh trai lên đây, ba năm sau, hai vợ chồng cũng kéo nhau từ Miên lên đây làm ăn rồi sinh con”.

Chị cho biết thêm, các gia đình trong làng này đều từ miền Tây hay từ Campuchia trôi dạt đến sinh sống bằng nghề đánh cá, mò ốc. Hồi trước cá mú nhiều, nhưng dạo gần đây khan hiếm hơn. Giờ này dù đang là giữa mùa mưa nhưng nước hồ vẫn thấp, cá tôm không nhiều. Chỉ tay về bao ốc, chị buồn bã nói: “Cả hôm qua chỉ bắt được khoảng chục ký ốc, mang đi bán may ra được 70 ngàn. Nếu không có xe thì phải nhờ người mang ra hoặc kêu người ta vào lấy”. Ngần ấy số tiền được “dùng vào việc lớn, bé trong gia đình”.

Để hiểu hơn về cuộc sống “xóm ngụ cư”, chị Mới dẫn chúng tôi sang một xóm chài khác. Mất 15 phút đi ghe để ra vùng nước mới, thi thoảng có cơn gió làm chiếc ghe lại lắc lư, chao đảo. Xóm chài nằm trơ trọi giữa lòng hồ dần hiện ra. Cả một vùng nước mênh mông, rộng lớn, chỉ có ba căn nhà, thế mà mỗi nhà còn cách xa nhau cả trăm mét.

Cô Nguyễn Thị Thanh (57 tuổi), một người dân xóm chài chia sẻ: “Gọi là chòm xóm nhưng cả ba nhà trong xóm ít khi nói chuyện với nhau. Ban ngày ai cũng đi mần, đến tối lại không có điện nên không dám đi đâu. Thi thoảng có chuyện thì mới nhờ cậy nhau, nhưng ở đây ai cũng nghèo nên không dám nhờ cậy gì lớn”.

Thắc mắc tại sao xóm chỉ có ba hộ gia đình, cô Thanh tâm sự, do dạo này cá tôm ít nên người trong làng chài này phải chuyển đi chỗ khác sinh sống hoặc lên bờ làm: “Nhà tôi lên đây muộn, không có đất canh tác như mấy nhà kia nên phải vào xã làm mướn. Hàng ngày dậy sớm đi bộ ra đường quốc lộ rồi quá giang người ta lên xã. Mỗi ngày đi chặt củi thuê cũng kiếm được đồng mắm, đồng muối”.

Ước mong một mảnh đất cắm dùi

“Xưa tôi ở Tây Ninh, có năm đứa con với người chồng trước, nhưng ông ấy mất lâu rồi. Mấy năm trước, đứa con trai út dắt díu vợ con lên đây làm ăn, sau đó cũng đón tôi lên. Tôi lên được một năm thì nó chết trong một lần đi lặn. Vợ nó bế con về Định Quán, Đồng Nai sống, giao lại căn nhà cho tôi”, cô Thanh nhìn xa xăm, trầm ngâm kể về hoàn cảnh mình.

“Người đàn bà hàng chài” với dáng vẻ lam lũ, từng trải, không biết đã bao lần chứng kiến những cái chết bất ngờ, tức tưởi không khỏi rùng mình nghĩ về cuộc sống nơi đây: “Mùa này ít gió, còn yên tâm một chút. Cuối năm ở đây gió to, lại là vùng rộng lớn, đêm nào cũng nơm nớp. Có đêm gió lớn, thốc mạnh từng cơn vào nhà, hai vợ chồng không ai ngủ được”. 

Xóm chài nhỏ là nơi cư ngụ của năm hộ dân

Chính cuộc sống nay đây mai đó, dập dềnh theo con sóng, hàng ngày đối diện với vất vả, hiểm nguy mà những người như cô Thanh, chị Mới đều khao khát có được một miếng đất làm cái nhà, để ổn định cuộc sống. Song, chỉ vì “lên đây muộn” lại “không dám phá rừng làm nhà” nên đến bây giờ, với họ, lên bờ sống quả thực rất khó khăn.

Chị Mới cho hay: “Nhiều hộ gia đình trong làng lên đây sinh sống đã mấy năm mà vẫn chưa được cấp hộ khẩu. Bản thân vợ chồng chị lấy nhau, rồi ra riêng mà không làm thủ tục, giấy tờ nào hết. Thằng nhỏ con chị đã gần 1 tuổi mà vẫn chưa có giấy khai sinh”. Tất cả là bởi cuộc sống của họ không cố định, nổi trôi khi thì Đắk Nông, khi lại Lâm Đồng.

Đề đạt nguyện vọng của người dân làng chài muốn xin một miếng đất làm nơi ổn định cuộc sống, ông K’Tang cho hay: “Tất cả các hộ trước đó sinh sống trên mặt lòng hồ đều thuộc diện giải tỏa, chính quyền đã có những biện pháp đền bù và hỗ trợ về đất ở hợp lý. Riêng đối với những hộ còn lại hiện nay, đều là những hộ mới đến, họ ra “yêu sách” như vậy nhưng xã không thể giải quyết. Muốn xin cấp đất thì phải làm đơn gửi lên tỉnh”.

Được biết, do hồ thủy điện nằm trong diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, hơn nữa điều kiện sống khó khăn, nguy hiểm nên toàn bộ các hộ dân sinh sống trên mặt hồ đều nằm trong diện giải tỏa. Tuy nhiên, ở lại thì đất đai không có, về quê thì túng thiếu quanh năm… không biết cuộc sống của những người dân “xóm ngụ cư” mai này sẽ ra sao?

Bài, ảnh: Kim Hạnh – Quốc Phong

Đem câu chuyện kể với Chủ tịch UBND xã Đắk Som, ông K’Tang cho biết: “Hiện nay, làng chài này có khoảng 20-50 hộ sinh sống. Các hộ sống ở đây thường xuyên di chuyển, lúc thì thuộc địa bàn xã Đắk Som, lúc chuyển sang tỉnh Lâm Đồng, chính vì vậy rất khó khăn trong việc quản lý”. Vị Chủ tịch cũng nói thêm: “Phần lớn các hộ đang sống trên mặt lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 đều là dân nhập cư từ nơi khác đến. Vì họ không có đất canh tác cũng như đất ở trên bờ nên theo quy định của Nhà nước không thể cấp hộ khẩu”.

 

Bình luận (0)