Chuyển hướng đào tạo theo năng lực là một mục tiêu giáo dục đang đặt ra cấp thiết cho môn ngữ văn, rất khác với giáo dục truyền thống trước đây. Đó là phải đào tạo sao cho sau mỗi bài học, học sinh (HS) tự cảm thấy lớn lên, không chỉ có thêm tri thức mà còn có kinh nghiệm để đi vào bài học mới.
Theo tác giả, giáo dục phải hướng đến từng cá nhân, làm cho mỗi cá nhân đều phát triển. Trong ảnh: Cô Trương Thị Quỳnh Anh (giáo viên Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM) đang hướng dẫn học sinh trong tiết học môn ngữ văn. Ảnh: Y.Hoa
1. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài năng lực chuyên môn cùng các năng lực tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, đang đòi hỏi cần thiết tăng cường giáo dục tinh thần và ý thức tự chủ cho HS. Đó là bước tiến mới so với chương trình cũ. Chúng tôi cho rằng thứ tự, vị trí của các phẩm chất, năng lực cần được suy nghĩ thêm để sắp xếp hợp lý hơn. Các phẩm chất như chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm phải gắn với tính tự chủ. Kỹ năng cũng là một phương diện của năng lực nhưng là năng lực thực hành do giáo viên truyền cho HS như lối truyền nghề thủ công, thầy truyền cho trò, một thứ năng lực copy, còn thiếu hẳn tính sáng tạo, thiếu phần tổng hợp với các hoạt động khác. Không phải lúc nào cái tôi tự chủ riêng tư đều tốt, nhưng trước mắt phải chăng cần khuyến khích cái tôi tự chủ trong từng người học. Nói như vậy để thấy rằng, trong việc đào tạo nhân cách con người với các tính chất hằng thường của nó, văn học và môn ngữ văn có một vai trò rất quan trọng. Riêng trong môn ngữ văn, năng lực bao trùm là năng lực giao tiếp, gồm các năng lực nghe, nói, đọc, viết. Trên nền tảng các năng lực công cụ ấy, văn học tác động vào hình thành các tố chất của con người. Không nên vì môn ngữ văn coi trọng nói, nghe, đọc, viết mà coi nhẹ đặc trưng riêng của văn học. Con người hình thành và phát triển qua các giai đoạn từ trực giác, bản năng qua mô phỏng, thói quen đến ý thức các vai và ý thức tự chủ. Quan sát quá trình đào tạo HS Việt Nam có thể thấy các em được giáo dục ý thức nhận vai quá sớm và dừng lại ở các vai xã hội quá lâu. Bản năng, trực giác được phát triển lúc tuổi thơ. Thiếu đời sống tuổi thơ đầy đủ, năng lực trực giác yếu, ý thức tự chủ chậm hình thành và do đó khả năng sáng tạo ít phát triển. Văn học vốn là nghệ thuật giàu cảm tính, giàu tưởng tượng, giàu trực giác, nhiều ngẫu nhiên bất ngờ. Con người trong văn học thường đi ra ngoài khuôn phép… có thể giúp phát triển năng lực trực giác, ý thức tự chủ cho con người, song nó dễ bị tư duy phân vai che khuất và tư duy lý tính kìm tỏa, nhất là khi giải thích văn học bằng các lý thuyết lý tính. Lạm dụng phương tiện nghe nhìn cũng làm cho trí tưởng tượng lười biếng, khiến cho văn học bớt đi sự lung linh. Ở đây phải suy nghĩ lại về các phương pháp, các phương tiện dạy học và sử dụng sao cho chúng không làm nghèo đi, thui chột đi cái hay vốn có của văn học. Phương pháp dạy văn học đích thực, theo chúng tôi, phải làm cho HS tiếp xúc trực tiếp với bản thân văn học càng nhiều càng tốt. HS phải nhớ được hình ảnh, ý thơ, câu chữ, cốt truyện, nhân vật, chi tiết, rồi tự mình suy nghĩ ý nghĩa của chúng. Bớt đi sự phân tích bình giảng của thầy cô khiến cho HS thấy đã hiểu rồi không cần cố gắng nào để hiểu thêm nữa, thế là bỏ phí một cơ hội để dạy các em đọc văn theo hướng đào tạo năng lực.
2. Năng lực không phải là kiến thức mà là cái khả năng vận dụng, đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn của mỗi người. Nhà ngữ học cho biết để hiểu một câu, không nhất thiết phải hiểu từng chữ trong câu đó rồi mới hiểu mà chỉ cần hiểu kiểu câu, nghe hiểu một hai từ then chốt hoặc giọng điệu là hiểu ngay ý của câu nói. Như thế năng lực nghe hiểu vừa bằng vô thức vừa bằng hữu thức và muốn thế, người nghe hiểu một hai từ then chốt hoặc ngữ điệu là hiểu ngay ý của câu nói. Như vậy việc đọc nhiều văn bản chính là cách học văn tốt nhất. Mặt khác, nói đến năng lực, ta cần hiểu đó là năng lực cá nhân của từng người học, gắn liền cá tính từng người ấy chứ không phải năng lực trừu tượng nào cả. Người giáo viên phải thuộc cá tính của từng HS mới đào tạo được năng lực cho họ…
Sự hình thành năng lực còn gắn liền với hứng thú. Hứng thú là điều kiện hình thành năng lực. Điều này đòi hỏi người thầy và toàn ngành phải nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân vì sao HS suy giảm hứng thú đối với bài học, môn học. Cuối cùng, vấn đề then chốt trong giáo dục là giáo dục về trí tuệ, đào tạo năng lực tư duy. Không nên đồng nhất kiến thức với trí tuệ. Nhân tố trí tuệ trong tri thức, lạ hóa tri thức để HS thấy giá trị trí tuệ trong yếu tố tri thức. Thông báo tri thức chỉ đơn giản là thông báo nhưng giúp HS phát hiện tri thức thì đó là việc làm của trí tuệ. Như vậy, theo chúng tôi, muốn đào tạo năng lực thì phải quan tâm 4 vấn đề. Một là tổ chức hoạt động (không phải diễn); hai là phát huy cá tính; ba là tạo hứng thú; bốn là khêu gợi trí tuệ. Coi nhẹ yếu tố nào đều khó có thể đạt đến hiệu quả đào tạo năng lực. Đừng nghĩ dạy văn lâu nay không có hoạt động gì để bày vẽ ra nhiều hoạt động theo phong trào, mà nên chăm chút, chấn chỉnh các hoạt động đã có sao cho hiệu quả.
3. Nhìn lại hoạt động dạy học môn ngữ văn trong thời gian qua, dễ dàng thấy rằng nhiều hoạt động đã bị coi nhẹ. Sự độc diễn của giáo viên đã chiếm hết hoạt động của HS. Nhưng thế nào là hoạt động trong môn ngữ văn? Hoạt động ở các cấp học khác nhau. Giao tiếp, nói, viết, đọc ở tiểu học dễ dàng tổ chức sinh động. HS càng lớn, các hoạt động sẽ đi vào cá thể hóa, khó tổ chức hơn. Ở đây, từng kiểu hoạt động cần được suy nghĩ thấu đáo. Hoạt động đóng vai, diễn kịch chỉ có mức độ, ở THCS không nên lạm dụng. Ở THPT cần thiên về hoạt động trí tuệ như đối thoại, tập nghiên cứu, để HS trình bày thu hoạch, thảo luận. Giáo viên sẽ bớt diễn giảng mà thiên về tổ chức, hướng dẫn, kịp thời uốn nắn những cách suy nghĩ thô thiển, tùy tiện, điều hòa để HS yếu có cơ hội phát triển. Giáo viên phải quan tâm từng HS trong lớp. Trong các hoạt động học tập của HS hiện nay, khó nhất vẫn là khơi gợi làm sao cho các em biết nêu câu hỏi, mạnh dạn nêu những chỗ chưa hiểu, chưa rõ. Hỏi có khi sợ lòi dốt bị bạn cười. Giáo viên có cách kiểm tra để biết HS hiểu hay không hiểu. Làm sao để HS biết chia sẻ chỗ khó hiểu, không che giấu điều chưa hiểu để mạnh dạn hỏi. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh quan hệ thầy – trò, tạo ra sự thân tình giữa thầy và trò để dễ dàng chia sẻ. Sử dụng phương tiện nghe nhìn một cách hợp lý. Không nên lạm dụng phương tiện nghe nhìn bởi vì các hình ảnh minh họa sẽ ức chế trí tưởng tượng, cố định hóa một cách cảm thụ nào đó. Lạm dụng hình ảnh sẽ khiến đầu óc HS trì trệ, chẳng những yếu về tưởng tượng mà nếu có thì cũng chỉ tưởng tượng theo tranh vẽ. Khi tổ chức cho HS hoạt động, kỵ nhất là tổ chức một cách hình thức, HS hoạt động như diễn kịch, thiếu đi yếu tố tâm hồn và trí tuệ. Nếu ở tiểu học diễn một chút thì được cái vui, nhưng càng lên lớp trên mà diễn thì thực chất là phản giáo dục.
Giáo dục phải hướng đến từng cá nhân, làm cho mỗi cá nhân đều phát triển. Bản chất của dạy học tích cực là làm cho HS động não, bày tỏ cách hiểu của mình. Chấm bài, trả bài là theo nguyên tắc cá thể hóa, giúp từng HS tiến bộ. Nhưng ngày nay việc chấm bài chỉ làm chung chung, qua loa. Cần tổ chức việc học làm văn sao cho hiệu quả hơn. Tổ chức phân công hoạt động học tập theo cá nhân và nhóm. Đối với các lớp lớn nên tạo điều kiện cho HS phát huy trí tưởng tượng sáng tạo trong khi đọc hiểu, phân tích, thưởng thức tác phẩm thơ, truyện. Qua đó tạo hứng thú cho HS và phát hiện những chỗ hiểu sai, hiểu nhầm để kịp thời uốn nắn nhẹ nhàng. Làm sao cho HS thấy việc nói sai để trao đổi cũng bình thường, trao đổi không sợ sai. Khuyến khích các em đọc mở rộng tham khảo các tài liệu ngoài SGK.
Ngày nay, việc khơi gợi trí tuệ cho HS có nhiều thuận lợi, do có nhiều sách bình giảng, phân tích. Giáo viên gợi cho HS thấy sự hiểu khác nhau và giáo viên chỉ nêu khơi gợi, không giảng hết để các em tự tìm tòi. Không nên chỉ tìm sâu vào tác phẩm mà cần sự suy nghĩ về ý nghĩa nhân sinh của tác phẩm đối với người đọc.
GS.TS Trần Đình Sử
Bình luận (0)