Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xóa lạc lõng cho tân sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM làm thủ tục nhập học năm học mới

Chưa quen tự xoay xở cuộc sống xa nhà giữa vùng đất lạ và môi trường học tập mới, tân sinh viên có thể bỡ ngỡ, lạc lõng ngay từ những ngày học ĐH đầu tiên.

Các em đều đã nỗ lực rất cao để vượt qua kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ vừa qua. Tuy nhiên, phía trước còn nhiều điều các em cần tiếp tục nỗ lực.

Lần đầu xa nhà, nhiều lo lắng

Tại các buổi làm thủ tục nhập học vào nhiều trường ĐH, CĐ mới đây, nhiều tân sinh viên (nhất là những em đến từ tỉnh) bày tỏ lo lắng khi lần đầu tiên phải tự giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến học tập và cuộc sống mới. Cụ thể như chỗ trọ, cách thức để không bị… lạc đường khi di chuyển giữa thành phố đông đúc, phương pháp học ĐH hiệu quả, cách sắp xếp thời gian để làm thêm… Trái với cuộc sống sum vầy cùng gia đình trước đây, cảm giác trống trải, một mình trong những ngày đầu tự lập các em cũng bắt đầu dần cảm nhận.

Nguyễn Tấn Sinh (tân sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM) cho biết, em đã làm thủ tục nhập học và đang tìm kiếm chỗ trọ phù hợp. Hiện em đang ở nhờ nhà người quen tại Q.Thủ Đức, khá xa chỗ học nên phải tìm chỗ trọ gần trường hơn. Theo Sinh, do giá phòng trọ đắt đỏ, sinh viên không đủ sức thuê một mình nên việc ở ghép là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, em cũng không thật yên tâm vì những người ở ghép hoàn toàn xa lạ. Ngoài ra, Sinh còn lo các thành viên trong phòng không phù hợp tính cách dễ nảy sinh mâu thuẫn hoặc khó chia sẻ những lúc nhớ nhà hay tâm trạng không tốt.

Tương tự, tân sinh viên Phạm Thị Hoài Thương từ Huế vào nhập học Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng lo lắng nhiều thứ. Mong muốn đi làm thêm ngay từ năm nhất do gia cảnh khó khăn nhưng Thương vẫn bối rối chưa biết cách tìm việc như thế nào, bố trí thời gian học và làm ra sao. Một số sinh viên khác lại băn khoăn làm sao nhanh chóng bắt kịp với nhịp độ học tập ở bậc ĐH vì phương pháp học hoàn toàn mới. Các sinh viên này còn quan tâm đến việc làm quen, hòa nhập nhanh với bạn bè vì những ngày đầu xa nhà cảm thấy khá bơ vơ, trống trải.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống thuộc Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM, nhìn nhận tâm trạng hụt hẫng, chới với là dễ gặp đối với những tân sinh viên lần đầu xa nhà, vốn quen được cha mẹ bảo bọc nay lại bắt đầu tự lo liệu mọi thứ. Chẳng hạn, trước kia từ bữa ăn, trang phục thậm chí đi học các em cũng được ba mẹ chăm lo, đưa đón. Chưa kể những lúc đau ốm cũng có người thuốc thang. Nay, tự bản thân các em phải đảm trách hết, trong khi còn phải thích ứng với phương pháp học tập hoàn toàn mới.

Đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đồng quan điểm khi cho rằng, từ học sinh đến sinh viên có một thay đổi lớn, các em phải tự chủ bản thân và có cách học tập khác đi. Để tự chủ được, các em phải nỗ lực lớn.

Chủ động bắt nhịp cuộc sống mới

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, trong chương trình sinh hoạt đầu khóa cho sinh viên, các trường ĐH, CĐ thường lồng ghép nhiều nội dung thiết thực giúp các “tân binh” xóa đi cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm. Cụ thể như trang bị hành trang cho tân sinh viên, kỹ năng thích nghi và hội nhập, kỹ năng học ĐH hiệu quả, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngoài những nội dung trên còn giới thiệu chương trình đào tạo, nội – ngoại trú, chính sách học bổng khuyến khích học tập… để các tân sinh viên biết định hướng.

Những chuỗi chuyên đề trên hằng năm cũng đều được Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM và Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức cho các tân sinh viên. Đồng thời, đầu mỗi năm học, sinh viên các trường ĐH, CĐ thường lập đội hình khảo sát, tư vấn và giới thiệu chỗ trọ cho “tân binh”. Do vậy, ông Hoàng lưu ý tân sinh viên cần liên hệ văn phòng Đoàn – Hội sinh viên các trường để được hỗ trợ. Riêng vấn đề tự tìm kiếm chỗ trọ, một trong các mối quan tâm lớn của sinh viên, ông Hoàng cho biết việc liên hệ với các kênh chính thống như thế này sẽ giúp các em tiếp cận được địa chỉ an toàn. Tránh trường hợp “tiền mất tật mang”, các em không nên tìm kiếm nhà trọ trên mạng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, chú ý kỹ cách thức đặt cọc, làm hợp đồng thuê nhà… để không dính vào trường hợp bị lừa đảo dẫn đến mất tiền oan.

Thực tế, bên ngoài trường học cũng còn nhiều hoạt động thiết thực để tân sinh viên trải nghiệm, hòa nhập. Vì vậy, theo đại diện các trường, các em có thể chủ động tìm hiểu, cân nhắc tham gia để nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống mới.

Bài, ảnh: Thục Trân

Bình luận (0)