Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 171 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông…
Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông rất dễ làm người điều khiển phương tiện bị phân tâm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT – Ảnh: K.Linh |
Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 171 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nhiều hành vi vi phạm đã được bổ sung và quy định rõ mức phạt.
Hiểm họa sử dụng điện thoại khi lái xe
Một trong những hành vi vi phạm được bổ sung lần này là nghe điện thoại trong khi điều khiển phương tiện. Cụ thể, hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe sẽ bị xử phạt từ 600 – 800 nghìn đồng. Trung tá Lưu Mạnh Tuyến, Phó đội trưởng Đội CSGT số 12 (Công an TP Hà Nội) cho rằng, một tay cầm điện thoại sẽ khiến tài xế mất tập trung khi lái xe. Tài xế dễ bị giật mình trước những tình huống bất ngờ, khiến người điều khiển xe sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột.
“Có nhiều trường hợp vì mải nghe điện thoại khi lái xe, tài xế qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những người điều khiển phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn”, Trung tá Tuyến cho biết thêm.
Dự thảo cũng bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Đường thủy nội địa… đối với hành vi xếp hàng quá tải trọng trong phạm vi kho bãi phụ trách, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho công chức, viên chức thuộc thanh tra các sở GTVT đang thi hành công vụ… |
Khẳng định điều này, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, ở Việt Nam chưa có đánh giá tổng kết nhưng nhiều nước trên thế giới đã có đánh giá về sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi lái xe. Theo đó, khi lái xe nghe điện thoại sẽ bị phân tâm nên phản ứng của lái xe với chướng ngại vật, các phương tiện khác trên đường sẽ chậm rất dễ gây tai nạn. Trong khi Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế sẽ phải thực thi theo quy định của công ước.
Một hành vi khác cũng được ông Thạch dẫn ra là hành vi điều khiển xe qua dải phân cách cứng. Theo ông Thạch, trong khi đường đã phân ra hai chiều bằng giải phân cách cứng nhưng để tiện cho việc đi lại người dân thường băng qua. Trong khi làn ngược lại xe đang đi một chiều với tốc độ nhanh và lái xe thường nghĩ là không có chướng ngại vật. Khi người điều khiển xe băng qua sẽ rất dễ gây tai nạn. Vì thế, hành vi vi phạm trên sẽ được bổ sung xử phạt từ 800 nghìn – 1,2 triệu đồng.
Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 171 mà Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến cũng bổ sung quy định xử phạt đối với xe được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng theo quy định. Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ về các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, hoạt động vận tải …
“Những hành vi này được rút kinh nghiệm từ thực tiễn, nhiều hành vi trong quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng CSGT phát hiện ra vi phạm nhưng không thể xử lý được vì trong Nghị định 171 không quy định. Nhiều ý kiến của các cơ quan, địa phương cho rằng, những hành vi này tác động đến trật tự ATGT cho nên cần thiết phải bổ sung vào dự thảo”, ông Thạch nói.
Bổ sung hành vi mới để đáp ứng yêu cầu thực tế
Theo Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 171, nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT đang diễn ra trên thực tế như: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe; điều khiển xe ô tô đi trên hè phố; điều khiển xe qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; Tổ chức thu phí gây ùn tắc giao thông… nhưng chưa có quy định về chế tài xử phạt. Vì thế, việc bổ sung các hành vi này sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế trong công tác bảo đảm ATGT.
Theo ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo cho biết, một số hành vi vi phạm đang diễn ra trong thực tế nhưng chưa có hình thức xử phạt. Do vậy, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 171 sẽ rà soát, bổ sung thêm 34 hành vi vi phạm phát sinh trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
“Dự thảo mới hướng tới ba mục tiêu chính là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; Mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau để sát với thực tiễn và bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới ATGT nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt”, ông Tùng nói.
Anh Bùi Trung Nghĩa (Kiến An, Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh việc bổ sung xử phạt đối với hành vi chống đối người thi hành công vụ như trong dự thảo, cần những hình thức xử phạt bổ sung. Ví dụ, như đối với hành vi chở quá tải, đề nghị phải hình sự hóa. Đây là hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Ở Thái Lan từ 10 – 15 năm trước người ta đã thực hiện như vậy. Bây giờ, ở ta chỉ cần chở quá tải 150% mà có thể xử lý hình sự thì tình hình sẽ ổn định ngay.
Anh Hoàng Văn Thế (Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết: “Hiểm họa từ việc vi phạm Luật Giao thông đang là mối đe dọa đối với người dân. Theo tôi, cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa các hành vi không tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông như: Lùi xe ở đường một chiều hay như bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư vì rất dễ khiến người đi đường giật mình, loạng choạng tay lái dẫn đến tai nạn xảy ra”.
Theo Trần Duy/ Báo giao thông
Bình luận (0)