Năm nào cũng vậy, đến mùa thi ĐH, các bậc phụ huynh lại lo lắng không yên, cùng con chọn trường hay buộc con học trường mà họ mong muốn. Cũng khá nhiều trường hợp, con không muốn thi ĐH, phụ huynh lại ép uổng. Với các bậc phụ huynh hiện nay, dường như chỉ có vào ĐH mới là cánh cửa tốt nhất cho tương lai con em mình. Thế nhưng, thực tế có phải như thế không?
9 năm trước, H. – một học trò cũ của tôi đã quyết định không thi ĐH trước sự ngỡ ngàng của ba mẹ, thầy cô và bạn bè bởi em là học sinh giỏi 12 năm liền. Lúc đó, tôi hỏi, H. chỉ trả lời ngắn gọn: “Em ngán học quá rồi thầy ơi!”. Khi các bạn cùng lớp của em vất vả học hành để chen chân vào ĐH hay ít nhất là CĐ thì em xin vào làm công nhân trong một công ty của Nhật. Ba mẹ H. đã thất vọng vô cùng. Nhưng bằng kiến thức phổ thông vững vàng đã học, bằng sự nhanh nhạy, thông minh và cả ý chí vươn lên, H. đã trở thành một người thợ giỏi. Ngoài giờ làm, em sắp xếp thời gian để học tiếng Nhật. Những cố gắng của em đã được công ty nhìn thấy. Em được công ty cử tham gia những khóa học ngắn hạn vài tháng ở Nhật nhằm nâng cao tay nghề rồi về hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp ở công ty. Làm việc lâu năm, H. ngày càng có uy tín, những chuyến đi học nâng cao ở Nhật như thế luôn có mặt em. Vừa rồi, tôi gặp lại nhóm học sinh cũ, H. cho biết hiện em làm tổ trưởng kỹ thuật của công ty với mức lương rất cao. Trong khi đó, khá nhiều bạn cùng khóa với em đã tốt nghiệp ĐH từ lâu nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định hay có việc làm không như mong muốn. Tôi và các bạn em đều công nhận em đã có một sự chọn lựa sáng suốt ở thời điểm quyết định của tương lai mình.
L. – đứa cháu họ của tôi 7 năm trước cũng không muốn học tiếp ĐH vì sức học không giỏi lắm. Thế nhưng, dưới áp lực của ba mẹ, cháu đã thi vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho ba mẹ vui lòng. Năm ấy, L. chỉ vừa đủ điểm vào ngành xã hội học. Cháu học lây lất cho xong. Mỗi lần gặp, cháu đều than với tôi là chán học lắm nhưng phải cố bám để lấy được cái bằng ĐH. Tốt nghiệp ĐH xong, L. quanh quẩn tìm việc một cách khó khăn. Cháu làm tạm thời hết chỗ này đến chỗ khác rồi… thất nghiệp. Cả nửa năm trời, cháu chỉ làm bạn với game. Ba mẹ L. cũng chán nản khi nhìn con không ổn định cuộc sống. Cuối cùng, L. xin ba mẹ cho đi học một lớp pha chế nước uống, việc làm mà cháu rất thích. Học xong, L. xin đi làm. Vậy mà chỉ mới gần 2 năm, L. đã làm quản lý trong một nhà hàng. Nhìn L. luôn tươi cười vui vẻ ở mọi nơi cũng đủ hiểu cháu đã được vùng vẫy thỏa thích với nghề mà mình chọn. Ba mẹ L. cũng vui nhưng khi có mặt những người thân quen, ông bà thường trêu chọc con: “Cử nhân xã hội học mà đi làm bồi bàn!”, L. trả lời hóm hỉnh: “Thế mới là hàng hiếm chứ!”.
Người ta thường nói: “Lối đi ngay dưới chân mình”, các bậc phụ huynh hãy để con em tự chọn con đường đi đến tương lai của mình. Thành công thì trẻ sẽ tự tin, trưởng thành hơn, và nếu có thất bại, trẻ cũng có được một bài học vô giá mà vươn lên trong cuộc sống.
Nhân Tâm
Bình luận (0)