Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyện trực nhật

Tạp Chí Giáo Dục

Một hôm con trai tôi, đang học lớp 10 ở một trường trọng điểm, đến xòe tay và nói: “Ba cho con 20 ngàn đồng đóng tiền vệ sinh và lao động”. Tôi ngạc nhiên: “Các con không tự làm vệ sinh lớp và lao động sao?”. Thấy tôi hơi… khó hiểu, con trai liền giải thích: “Ở trường con, mỗi học sinh chỉ cần bỏ ra 20 ngàn đồng là suốt năm học khỏi phải quét lớp và dội nước khu vệ sinh, không phải làm cỏ, khiêng đất như mấy anh chị trước đây. Các công việc này nhà trường thuê mấy cô, mấy chú lao công làm, đảm bảo thời gian và chất lượng công việc”. Ra là vậy. Theo tôi được biết có rất nhiều trường, với các lý do khác nhau, cũng thực hiện biện pháp này.

Còn nhớ cách đây trên 30 năm, thế hệ chúng tôi sống trong thời bao cấp, khó khăn thiếu thốn mọi thứ, nhưng bầu nhiệt huyết lúc nào cũng sục sôi. Ngày ấy, vệ sinh lớp hàng ngày các tổ luân phiên nhau làm không nề hà dù nam hay nữ (hiện nay rất nhiều trường duy trì việc này). Có khi một bạn trong tổ nghỉ, người khác xung phong quét thay. Những chuyện ấy coi như bình thường.

Ngoài công việc hàng tháng như làm cỏ, khiêng đất, vui nhất là học sinh bậc THPT được đi lao động ở xa. Mỗi năm học nhà trường đều tổ chức cho học sinh đi lao động xã hội chủ nghĩa khoảng một tuần lễ ở những nơi đang cần sức trẻ. Đã liên hệ từ trước, nhà trường bố trí các lớp ăn, nghỉ tại nhà người dân vùng nông thôn. Mỗi sáng chúng tôi ra lao động theo sự hướng dẫn của ban chỉ huy nơi đó, đến chiều tối mới về. Việc ăn uống thì mỗi đứa hùn tiền, giao cho các bạn nữ đảm trách nấu nướng. Công việc tuy vất vả nhưng không ai than vãn, ngược lại còn cảm thấy vui, hào hứng. Tối đến, dù mệt nhưng bạn bè tụm lại nói chuyện rôm rả. Dần dần, qua 3 năm học THPT, học sinh dù ở thành thị cũng biết đào đất, lên liếp trồng cây, lợp nhà… Và qua lao động như thế, mỗi học sinh đều có điều kiện tiếp cận thực tế, thông cảm nỗi vất vả của người nông dân; đặc biệt, tình cảm bạn bè ngày càng gắn bó thân thiết hơn. Đến nay, dù đã qua hàng chục năm, nhưng khi gặp lại nhau nhắc lại chuyện cũ, tình cảm bạn bè vẫn đậm đà như ngày còn đi học.

Dường như bây giờ học sinh chúng ta bắt đầu cảm nhận được “thế lực” của đồng tiền có mặt khắp mọi nơi, và vì thế mà không ít giá trị khác của cuộc sống bị mất đi. Nhưng trước mắt là tình trạng béo phì trong tuổi học sinh xuất hiện ngày càng nhiều.

Lê Quang Huy

(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)

Bình luận (0)