Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tỏa sáng giữa đời thường: Bài 1: Hơn 20 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ Lương Thị Phượng (bên phải) cùng với đồng nghiệp

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (37 Phú Châu, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM) có không biết bao nhiêu thầy thuốc đến nhận công tác rồi lại ra đi. Thế nhưng, có một nữ bác sĩ đã chấp nhận gắn bó với nơi đây hơn 20 năm. Chị là bác sĩ Lương Thị Phượng – Trưởng trạm y tế của trung tâm điều dưỡng đặc biệt này.

Vào một môi trường quá đặc biệt

Ông Bùi Văn Xây – Giám đốc trung tâm cho biết, dù bác sĩ Phượng không nói ra nhưng để có được uy tín và chỗ đứng như ngày hôm nay, người nữ bác sĩ quê ở xã anh hùng Bình Mỹ, huyện Củ Chi này đã có một quá trình phấn đấu không mệt mỏi và không ngơi nghỉ ở một môi trường làm việc chẳng hề đơn giản chút nào.

Câu chuyện đến với nghề y của chị cũng có những tình tiết thật sự lý thú: “Gia đình đông anh em nên khi tôi còn đi học mẹ đã ao ước có một người theo nghề y và tôi coi mẹ là người đầu tiên đưa tôi đến với nghề này. Sau 3 năm theo học cho đến năm 1994 học xong lớp trung cấp quân y 2 tại quận 5 tôi bắt đầu đi tìm việc”. Trong một lần vô tình đọc báo, chị Phượng biết Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức cần người nên sau đó đã nộp hồ sơ thử. “Thấy tôi còn quá trẻ, Trưởng phòng Tổ chức lúc đó là anh Chung chưa tin tưởng lắm nên mới hỏi vào đây có nhiều khó khăn lương lại thấp em có làm được không? Lúc đó không hiểu sao tôi trả lời liền là người khác làm được thì mình cũng làm được” – bác sĩ Phượng nhớ lại. Sau này “lâm trận” chị mới thấy điều anh Chung nói không  sai: “Tôi không thể tưởng tượng được những khó khăn của một thầy thuốc nơi đây và lúc đó mới hiểu tại sao trung tâm phải lên báo tuyển người vì một thời gian lâu không tìm được ai cả”. Mặc dù đã là y sĩ nhưng số lượng bệnh nhân đông nên chị và các đồng nghiệp phải làm hết mọi việc của hộ lý và điều dưỡng từ khám bệnh, chích thuốc và cả dọn vệ sinh, đổ bô, thay quần áo.. Tâm thần không ổn định nên bệnh nhân nơi đây dù bệnh tật cũng có thể phá phách mọi nơi mọi lúc và có lẽ người họ “ghét cay ghét đắng” nhất là các y bác sĩ chứ không ai khác vì lúc nào cũng làm cho họ đau đớn về thể xác khi mỗi ngày đè ra cho uống thuốc hoặc tiêm chích vài ba mũi. Bị loạn thần nên lúc đau thì họ không kêu còn khi kêu rên ư ử thì lại không bệnh tật gì cả, thật khó chẩn đoán. Vô thức nên dù thầy thuốc là ân nhân nhưng họ không cần biết mà cứ thấy bóng áo blouse trắng là đôi khi bỏ chạy và la hét.

Vững tâm và bám trụ

Nhưng cũng từ những “bài học nhớ đời” này mà các nhân viên ở đây có thêm kinh nghiệm về kỹ năng sống để ứng xử nhanh nhạy hơn nhằm hạn chế những tình huống bất ngờ khác. Đó cũng là thời kỳ bệnh nhân thì đông mà nhân viên thì quá mỏng nên công việc làm hoài không hết. Bởi thế nên có không ít đồng nghiệp của chị lặng lẽ ra đi tìm một chỗ làm tốt hơn. Nhiều khi chị cũng tự hỏi sao công việc quá vất vả đến vậy và đôi lúc cũng muốn buông ra vì lúc này không thiếu những nơi khác đang cần người. Thế nhưng nhờ sự động viên của Ban Giám đốc và anh em nên chị vững tâm hơn. Chị tự an ủi mình: “Đồng lương có khó khăn thật nhưng có những người phải nuôi cả gia đình sống còn được huống chi mình là độc thân”. Đó là những động lực vô hình đã nhiều lần níu kéo chị vượt qua được những chao đảo lập trường ở lại với nghề. Tuy nhiên có một lý do mà chúng tôi biết nhiều nhân viên và  trong đó có bác sĩ Phượng gắn bó với công việc là họ luôn coi các bệnh nhân như người thân của mình. Mỗi cuộc đời của những con người nửa mê nửa tỉnh có những số phận riêng rất nghiệt ngã. Không người thân, chẳng có nơi nương tựa họ chỉ biết bấu víu vào trung tâm vào những tấm lòng cưu mang của tập thể y bác sĩ. Có những bàn tay chăm sóc ân cần bất kể đêm ngày mưa nắng, những người bệnh mới có những giây phút tĩnh lặng, được thêm những bữa ăn ngon từng giấc ngủ đủ. Được biết, thời gian gần đây trung tâm có thêm một số bệnh nhân nhiễm HIV, các nhân viên của trạm phải chăm sóc kỹ hơn, tốt hơn và tránh không có sự phân biệt kỳ thị nào vì đó là chủ trương nhân đạo chung. Để đáp ứng được mọi điều kiện đó, chị Phượng thấy chỉ có nhiệt huyết và tấm lòng thôi chưa đủ mà phải có thêm năng lực, trình độ chuyên môn. Với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi nên năm 2004 dù bận với trách nhiệm Trưởng khoa C, Ban Chấp hành Công đoàn và mới có gia đình riêng nhưng chị vẫn quyết tâm theo học bác sĩ đa khoa và sau này là chuyên khoa nội tổng quát. Gánh trên vai quá nhiều trọng trách nhưng người nữ bác sĩ không một lần nề hà, chùn bước. Niềm vui của chị bây giờ là đơn vị đã có một đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu đức hy sinh coi bệnh nhân như người thân của chính mình xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lương y như mẹ hiền”.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Chuyện bị bệnh nhân đánh, bác sĩ Phượng cũng là người trong cuộc: “Hôm đó tôi vừa phát thuốc xong thì chia thức ăn cho bệnh nhân, bất ngờ không hiểu sao một bệnh nhân ở Khoa C nữ cầm cả tô cà ri đang nóng hất vào người, cũng may là bị bỏng nhẹ dù ai cũng lo lắng cho tôi” – bác sĩ Phượng nhớ lại một câu chuyện xảy ra ngay trong khu C nữ trước đây.

 

 

Bình luận (0)