Một sinh viên nữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM giúp việc nhà vừa để làm thêm vừa để tích lũy kinh nghiệm |
Sinh viên hay ngại những việc làm thêm nhỏ không mang lại kinh nghiệm cần thiết, nhưng thực tế các đơn vị tuyển dụng lại đánh giá cao những ứng viên từng có quá trình chịu khó “lăn lộn” vào thực tiễn với những công việc tưởng chừng đơn giản nhất.
Để có gần 50 triệu đồng hùn vốn cùng bạn khởi nghiệp kinh doanh cà phê vào năm thứ 3 ĐH, thời gian trước đó, ông Đinh Nhật Nam (hiện là thành viên Hội đồng quản trị, sáng lập chuỗi cà phê Urban Station) đã trải qua nhiều công việc làm thêm, trong đó có cả công việc bán điện thoại. Câu chuyện này gây bất ngờ cho nhiều sinh viên tại một hội thảo do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức không phải bởi lý do gì to tát. Chỉ đơn giản, các sinh viên không thể tin được rằng một doanh nhân đã khởi nghiệp thành công từ quãng đời sinh viên với đôi bàn tay trắng qua những công việc giản đơn như thế.
Trải nghiệm những công việc giản đơn để “lấy ngắn nuôi dài” là điều mà nhiều bạn trẻ “tỉnh ngộ” qua câu chuyện chia sẻ của ông Nam.
Tương tự, câu chuyện khởi nghiệp của anh Ngô Kim Lai (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) – người đầu tiên ở Việt Nam nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo – cũng cho các sinh viên thấy rõ giá trị của những công việc tưởng chừng rất bình thường như thế. Nhiều năm liền thí nghiệm nuôi trồng đông trùng hạ thảo, để có kinh phí duy trì hoạt động, gửi ra nước ngoài mua giống…, anh Lai đã làm ngày làm đêm tất cả những công việc mà bản thân có thể sắp xếp được, từ dạy kèm, phát tờ rơi, sơn sửa nhà cửa đến sửa máy vi tính, bán vé số… Thậm chí, như cách nói của chính anh, ai kêu gì làm nấy. Anh Lai cho rằng, chính những công việc bình dị này không chỉ tạo động lực, điều kiện để anh nghiên cứu mà còn giúp anh sống ý nghĩa hơn.
Thực tế hiện nay, nhiều sinh viên nôn nóng trải nghiệm những công việc liên quan đến ngành học mà xem nhẹ các công việc lao động chân tay. Phục vụ, dạy kèm, phát tờ rơi, bán hàng, giúp việc nhà… là những việc làm thêm bất đắc dĩ bởi các em cho rằng khó tạo ra kinh nghiệm cần thiết và cũng không phải kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
Sinh viên tham gia phỏng vấn xin việc trong một ngày hội việc làm |
Thậm chí nhiều sinh viên tỏ ra chán nản khi vác hồ sơ đến đâu cũng gặp yêu cầu 1-2 năm kinh nghiệm trong khi các em mới ra trường, kinh nghiệm chỉ như “tờ giấy trắng”. Đây là vấn đề muôn thuở. Ngược lại, đại diện các doanh nghiệp lại nhìn nhận, sinh viên có được những trải nghiệm thực tế liên quan đến chuyên môn là đáng quý nhưng không phải em nào cũng có cơ hội này. Bởi, chỉ đơn cử vấn đề đảm bảo thời gian làm việc tại doanh nghiệp, các em đã khó đáp ứng do vướng lịch học. Song, doanh nghiệp vẫn đánh giá cao những sinh viên từng trải nghiệm thực tế từ những công việc lao động chân tay vì qua đó các em được rèn kỹ năng giao tiếp, sắp xếp thời gian, kiên nhẫn và biết xử lý tình huống… Doanh nghiệp cũng không bỏ qua những kinh nghiệm này của ứng viên trong quá trình tuyển dụng.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) gần đây cũng thường xuyên nhắn nhủ sinh viên tích cực trải nghiệm thực tiễn bằng tất cả những cơ hội việc làm các em có thể nắm bắt được, dù là lớn hay nhỏ. Ông Tuấn quan niệm, việc lớn hay nhỏ đều giúp sinh viên làm giàu vốn sống và đây cũng là yếu tố được các nhà tuyển dụng hết sức mong đợi đối với ứng viên. Một khi làm giàu được vốn sống, theo ông Tuấn, người học sẽ biết đương đầu với thử thách, kiên định và không dễ bỏ cuộc lúc bước vào đời. Và điều này nếu các em rèn luyện sớm, ngay từ thời sinh viên thì vào thực tiễn sẽ nhanh chóng rút ngắn được thời gian đến với thành công, mục tiêu mong muốn.
Bài, ảnh: Thục Trân
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) thường xuyên nhắn nhủ sinh viên tích cực trải nghiệm thực tiễn bằng tất cả những cơ hội việc làm các em có thể nắm bắt được, dù là lớn hay nhỏ để làm giàu vốn sống. |
Bình luận (0)