Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hậu phương của anh Toản

Tạp Chí Giáo Dục

Cưới nhau đã lâu nhưng căn nhà vẫn lạnh lẽo vì những chuyến công tác vượt biển dài ngày của anh. Chị bảo, làm vợ chiến sĩ hải quân thì phải hy sinh để chồng phụng sự Tổ quốc.

Chỉ vài năm ở đất Sài Gòn nhưng tổ ấm của anh Trần Đình Toản (Lữ đoàn 125 Hải quân) và chị Nguyễn Ngọc Ái Ban (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Thủ Thiêm) cùng hai con chuyển tới, chuyển lui nhiều bận. Ở bất kỳ nơi đâu, cuộc sống khó khăn đến mấy anh chị vẫn dệt nên một tình yêu rất đẹp, xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Là vợ hải quân

Ngày ấy, gia đình anh Toản chuyển từ Hải Phòng vào Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh Hòa) sinh sống. Chị, người con miền cát trắng, cũng là mảnh đất mà gia đình anh dừng chân mưu sinh. Những năm trung học, anh chị học chung lớp. Tốt nghiệp phổ thông, anh thi vào Học viện Nha Trang, còn chị là cô sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Thời gian trôi nhanh, anh trở thành sĩ quan chỉ huy, công tác tại Lữ đoàn 125 Hải quân đóng tại quân cảng Cam Ranh. Chị là cô giáo dạy tiếng Anh, Trường THPT Trần Hưng Đạo, ngôi trường mà trong anh chị vẫn đong đầy kỷ niệm thời cắp sách. Cuộc sống lắm nỗi lo toan nhưng anh chị vẫn vun vén tình yêu của mình, đẹp lắm. Tròn 10 năm sau, chị đi làm dâu nhà anh – người bạn học chung lớp thuở nào.

Gia đình anh Toản chị Ban

Bốn tháng, kể từ ngày chị hạ sinh đứa con đầu lòng Trần Tiến Khang, anh mới về phép. Lúc bấy giờ, kể từ hôm anh đặt chân lên tàu hoàn toàn không có một thông tin gì về nhau, kể cả những cánh thư cũng không dễ đến tay. Không ít lần nhớ anh quay quắt, lá thư chị gửi ra với hy vọng anh hay tin về gia đình, đặc biệt là con nhưng sau đó thư “trả” về vì anh lại theo tàu đi công tác ở một vùng biển khác. Đến khi sinh đứa thứ hai Trần Đình Nguyên cũng không có anh bên cạnh.

Đồng lương của anh chị ngày ấy không đủ chi phí cho những chuyến ôm con ra Bắc vào Nam tìm trường, lớp cho con học, nhưng đến đâu cũng không “trụ” được lâu. Quyết định chuyển từ Cam Ranh vào Sài Gòn sinh sống của anh chị vào mùa hè năm 2011 với không ít người là “một quyết định điên rồ”. Nhưng với anh chị, không thể khác hơn được, bởi đi là vì Khang, vì cần một ngôi trường dành cho trẻ tự kỷ.

Một cuộc sống mới bắt đầu thật không dễ dàng chút nào với cảnh nhà trọ, con ốm sốt mà căn phòng ẩm thấp, lạnh lẻo vì luôn vắng bóng người chồng, người cha. Ngôi trường mới mà chị gắn bó từ năm học 2012-2013 đến nay là Trường THPT Thủ Thiêm. Ở đó có một tập thể sư phạm đoàn kết, thân ái, sẻ chia và những cô cậu học trò đáng yêu. Theo cô giáo Ban, đó là ngôi nhà thứ hai của mình, đã tiếp sức cho mình vượt qua khó khăn, thử thách.

Mắc chứng tự kỷ nặng, 13 tuổi mà Khang cứ như một đứa trẻ lên 2. Chị Ban chia sẻ: “Cháu chưa nói được, nhận thức kém nên việc chăm sóc, dạy dỗ con khá vất vả. Bố đi công tác thường xuyên, dài ngày nên việc gì cũng một mình lo. Công việc của chồng rất đặc thù, mình phải hy sinh, là hậu phương vững chắc để anh vững tâm công tác, phụng sự Tổ quốc”.

Lo mai này…

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm thuộc đường Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh, được xem là chỗ ở đàng hoàng sau bao năm chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Sau thời gian từ Trường Chuyên biệt Khai Trí sang Trường Chuyên biệt Thảo Điền, cũng như bao học sinh khác, Khang được các cô quan tâm, dạy dỗ và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chị Ban vẫn không thể giấu được nỗi đau âm ỉ trong lòng: “Con 13 tuổi nhưng mình chưa bao giờ có một đêm ngủ ngon giấc, đêm nào cũng thức 2-3 lần cùng con. Lúc con còn nhỏ, từ 6 giờ chiều đến 3 giờ sáng, hai vợ chồng thay nhau ôm con. Con mình “bình thường” như con người ta thật sự là điều quá xa vời, không dám mơ ước. Lo mai này khi bố mẹ già yếu, con sẽ nương nhờ vào ai trong khi con lớn từng ngày mà nhận thức thì rất kém…”.

Cả anh Toản cũng thế, không thể nhớ nổi tim mình đau nhói bao lần. Ngày mưa gió, chị gồng mình đẩy xe đi qua những đường ngập nước, con ngồi trên như đứa trẻ ngây thơ, quá bé bỏng so với tuổi, nước mắt chị chực trào. Rồi những bản tin báo bão dồn dập lúc anh đang ngoài khơi xa, ba mẹ con nằm chung một giường, ôm chặt lấy nhau nhưng cái lạnh vẫn cứ len vào…

Bài, ảnh: Trọng Tri

Anh thường xuyên đi công tác trên tàu Titan HQ960, hết đảo này đến đảo khác. Mình chị Ái Ban ở nhà vừa lên lớp vừa thay chồng lo cho hai con. Chăm một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm trẻ mắc bệnh tự kỷ lại càng khó biết chừng nào. Những đêm con ngủ say, chị Ban lại bắt đầu với những trang sách về trẻ tự kỷ để khai thác phương pháp giáo dục phù hợp với con mình. 

 

Bình luận (0)