Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tỏa sáng giữa đời thường: Bài 2: “Má Chung” của thanh niên cai nghiện ma túy

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Lê Kim Chung kể về những mảnh đời lầm lỡ mà bà tiếp cận, giúp đỡ

Điểm đen ma túy trên địa bàn P.3, Q.Bình Thạnh dần bị xóa, ngoài các giải pháp hữu hiệu của địa phương còn phải kể đến công sức và cách tiếp cận của “má Chung”.

“Má Chung”, cái tên thân mật mà thanh thiếu niên đã và đang cai nghiện ma túy gọi bà Lê Kim Chung (sinh 1954), người đã có ít nhiều làm thay đổi cuộc đời mình. Tệ nạn ma túy ở P.3, Q.Bình Thạnh nhanh chóng được đẩy lùi sau một thời gian bà vào nhiều vai, dấn thân vào các điểm nóng. Cụ thể, nhiều năm trước, hẻm 163 đường Vạn Kiếp, KP.3, P.3, Q.Bình Thạnh, nơi bà sinh sống được biết đến là điểm đen tệ nạn ma túy. Ở đó, không ít gia đình có con cái vướng vào nghiện ngập, tương lai mờ mịt. Giải pháp đẩy lùi tệ nạn ma túy cũng được quận, phường đặc biệt quan tâm nhưng để xóa điểm đen ma túy một thời, không thể không nhắc đến bà.

Dấn thân vào điểm “nóng” ma túy

Hỏi về công việc hiện tại, bà cười giòn tan, nói: “Mình làm nhiều việc nhưng việc nào cũng ra trò, này nhé: Đội trưởng Đội Cán sự xã hội tình nguyện; Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lá Chắn; Chi hội Phụ nữ…”. Người dân P.3, Q.Bình Thạnh chẳng còn lạ gì “cô lùn lùn, mập mập” thường xuyên lui tới các con hẻm có điểm mua bán ma túy để tiếp cận, vận động thanh thiếu niên đi cai nghiện. Mỗi lần bà xuất hiện ở những điểm nóng, người dân lại thấy lo. “Cũng từng gặp hết “tai nạn” này đến “tai nạn” khác, cứ tưởng “chừa” rồi nhưng bà ấy chẳng sợ chi hết”, một thanh niên ở đầu hẻm kể chuyện về bà.

Cái giọng sang sảng, rắn rỏi, đôi khi “mặn như muối” của bà lại được những cô cậu ương ngạnh, bướng bỉnh nghe và làm theo mới lạ. Theo bà, việc họ chịu nghe mình nói đã là thành công. Từ đó mình thường xuyên gần gũi, hỏi han và dành tình cảm, đối xử như một người mẹ, người chị thật sự. Ngày cũng như đêm, bà tất bật với những công việc không tên, trong đó có cả việc lo nhập hộ khẩu, thủ tục đưa các con đi cai nghiện hoặc uống Methadone cắt cơn tại địa phương, xin việc làm…

Các con đang cai nghiện thì chưa thể nói gì về kết quả, bà sử dụng “vũ khí” là sức mạnh tình thân, của những người mẹ mang nặng đẻ đau để tiếp sức, động viên cho con cai nghiện. Chính các bà mẹ ấy sẽ hỗ trợ nhau về kiến thức và kỹ năng trong phòng, chống ma túy. Sau một thời gian, bà chính thức thành lập Câu lạc bộ Lá Chắn – mô hình tập hợp các bậc phụ huynh có chung nỗi đau: Người thân vướng vào ma túy. Bà chia sẻ: Đẩy lùi ma túy không chỉ ngăn chặn kẻ gieo rắc mà còn phải gần gũi, giúp đỡ gia đình có người thân sa ngã. Cái tên Lá Chắn đã nói lên được mong muốn của mọi người: Mỗi thành viên trong gia đình là lá chắn bảo vệ người thân trước cám dỗ.

Ngày đầu thành lập, Câu lạc bộ Lá Chắn chỉ vài người tham gia, đến nay con số đã lên đến trên 50 thành viên. “Nhiều gia đình có người thân cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng nhưng họ vẫn tích cực tham gia câu lạc bộ, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau về vật chất lẫn tinh thần”, bà Chung nói.

Vòng tay ấm

Anh Nghĩa (KP.4, P.3, Q.Bình Thạnh) – người cai nghiện thành công nhờ sự quan tâm động viên của “má Chung”

Không khó bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đội mưa len lỏi vào các con hẻm bất kể giờ giấc. Khi thì theo chân người nghiện để tiếp cận; Khi tay xách, nách mang lỉnh kỉnh những túi đựng đủ thứ, từ thức ăn, đồ uống đến thăm các gia đình nghèo, động viên người đang và sau cai; Lúc thì vừa đi tuần vừa nhặt rác. Bà con trong khu phố còn biết: “Chắc chắn sẽ được bà biếu 2kg chả lụa nếu trong gia đình có người sinh con gái!”. Không ít người bảo, đó là một kiểu tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình “lạ mà… no”, rất hiệu quả.

Người hồi gia được bà Chung hỗ trợ học nghề, tìm công việc làm để ổn định cuộc sống, lập gia đình. Trong số các trường hợp được bà giúp đỡ phải kể đến em Dương Văn Nhật (1991) nghiện ma túy nhiều năm. Ở địa phương, Nhật trở nên bất trị nhưng từ ngày bà Chung “ra tay”, tính tình Nhật thay đổi hẳn, đặc biệt quyết tâm từ bỏ ma túy. Bà Chung tâm sự: “Mẹ Nhật mất vì bệnh xơ gan, thằng nhỏ bơ vơ không biết nương nhờ vào ai? Thương nó nhưng không thể ôm nó mãi trong lòng”. Nhật trải lòng qua lời hứa với má: “Thương “má Chung” con cố gắng cai nghiện rồi tìm một nghề gì đó để tự nuôi sống bản thân”.

Một trường hợp khác là em T., bà Chung phải vào vai một người mẹ mong giúp em vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Sau thời gian cai nghiện ở Trung tâm Phú Văn (Bình Phước) về, thân gái, T. tự bươn chải kiếm sống, rồi lại lang bạt và đối diện với cái nhìn xa lánh, ghê tởm khi tin mình nhiễm HIV đến tai mọi người. Kể cả gia đình, chỗ dựa duy nhất của T. lúc này cũng không còn nữa. Đêm cuối năm, tiết trời se lạnh, vòng tay má Chung dang rộng ôm T. vào lòng, T. bảo mình như đã chết đi sống lại.

Ngoài mặt trận phòng chống ma túy, bà Chung còn giúp đỡ các gia đình ngoài câu lạc bộ bằng cách giúp vốn, giới thiệu việc làm, tặng phương tiện hành nghề (xe máy chạy xe ôm) và hỗ trợ gạo hàng tháng… Bà chia sẻ khi được hỏi về kinh nghiệm phòng chống ma túy hiệu quả: “Miệng nói tay làm, làm phải cho ra trò thì người ta mới tin, mới ủng hộ”.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Chỉ tay về phía tường, nơi treo chi chít bằng, giấy khen của các cấp, bà bảo: “Mình làm không phải để được tuyên dương, khen thưởng. Niềm hạnh phúc lớn nhất của mình là các em, các con đã trở về với chính mình, với những gì tốt đẹp nhất”.

 

Bình luận (0)