Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thách thức hay cơ hội với ChatGPT?

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 23/02, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã tổ chức talkshow “Ảnh hưởng của ChatGPT trong kinh tế và giáo dục” với sự tham dự của lãnh đạo trường, thầy cô và sinh viên cùng 2 diễn giả báo cáo là TS.Nguyễn Trường Sơn và ông Lê Thanh Trang.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo ChatGPT do công ty Mỹ OpenAI tạo ra đang là cơn sốt tại Việt Nam và trên toàn cầu vì sự thông minh của nó. Với sự báo cáo của 2 diễn giả, talkshow mang đến cho mọi người những góc nhìn mới đa chiều hơn về ChatGPT. Ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục là đáng kể và từ đó đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho chúng ta.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Trường Sơn – Giảng viên môn Hệ thống thông tin, Khoa CNTT Trường ĐH Tự nhiên TP.HCM đã khái quát về các nội dung như ChatGPT là gì, hoạt động như thế nào, những ảnh hưởng của nó tới công việc, cách sử dụng ChatGPT trong dạy và học.v.v… Việc ChatGPT có thể làm nhiều công việc như soạn thảo văn bản, viết bài luận, sáng tác thơ, ngôn ngữ lập trình… có thể giúp mọi người tiết kiệm thời gian làm việc, nhưng ChatGPT cũng có những hạn chế vì không phải lúc nào nó cũng cung cấp những thông tin chính xác cho người dùng.

Ông Lê Thanh Trang, Chief Technology Officer của Houze Group, nhà sáng lập ATX Việt Nam, cựu đồng sáng lập House Map cho rằng ChatGPT ra đời tạo nhiều cơ hội cho chúng ta hơn là thách thức. Với việc sử dụng ChatGPT, năng suất lao động tăng cao giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm chi phí….

Từ những chia sẻ của các diễn giả, các bạn sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi về ChatGPT. Có bạn lo lắng về việc ChatGPT sẽ làm sinh viên thất nghiệp nhiều hơn; hay ChatGPT có thể thay thế vai trò của người Thầy hay không; ChatGPT có tạo ra sự không công bằng khi có thể làm bài tập hay viết luận văn cho người dùng và giảng viên làm thế nào để đánh giá chính xác năng lực của sinh viên trong thi cử; sinh viên cần trang bị những kỹ năng gì cho công việc.v.v…

Trao đổi với sinh viên, TS.Nguyễn Việt Anh – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho biết: “ChatGPT có những ưu điểm nhưng cũng có những khuyết điểm nhưng quan trọng là cách tiếp cận, thái độ và cách sử dụng của chúng ta như thế nào cho hiệu quả. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công cụ thông minh như ChatGPT hỗ trợ về lý thuyết thì sinh viên cần phải chuẩn bị tốt về các kỹ năng mềm để thực hành được. Và sắp tới nhà trường sẽ tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động ngoại khóa bổ ích để sinh viên có cơ hội tham gia và rèn luyện các kỹ năng nhằm đáp ứng được yêu cầu của công việc. Các bạn sinh viên cũng không cần phải lo lắng về thất nghiệp vì một công cụ thông minh ra đời có thể khiến một số công việc bị mất đi nhưng cũng sẽ xuất hiện nhiều công việc khác….”

Chia sẻ sau khi dự buổi talkshow, ThS.Bùi Quang Điệp – Giám đốc Thư viện Trường cho biết buổi tọa đàm cung cấp những thông tin đầy đủ và chính xác về ChatGPT cho mọi người hiểu rõ hơn.

Về việc liệu ChatGPT có thể thay thế vai trò của người Thầy hay không? Thầy Điệp chia sẻ “Giáo viên có thể cung cấp những kiến thức sâu rộng, hướng dẫn và giúp đỡ người học hiểu rõ hơn về các khái niệm và vấn đề học tập. Họ cũng có thể cung cấp cho học sinh các tài liệu học tập, những phương pháp học tập hiệu quả, và giải đáp những thắc mắc của người học một cách chi tiết hơn. Ngoài ra, trên giảng đường không chỉ là giảng dạy kiến thức, thầy cô còn quan tâm đến thái độ, tâm tư tình cảm và mong muốn của sinh viên, cũng như quan sát thế mạnh hoặc nhược điểm của từng sinh viên để có cách giáo dục hợp lý, điều này thì ChatGPT chưa thể làm được”.

P.V

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)