Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

TP.HCM: Trên 57% trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn thành phố có 1.218 cơ sở giáo dục mầm non triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT, với tổng số trẻ thụ hưởng chương trình là 156.878 trẻ, tỷ lệ 57,37%.


Quang cảnh hội thảo đánh giá kết quả cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh

Ngày 12-1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo thông tư 50/2020/TT-BGDĐT.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn thành phố có 1.218 cơ sở giáo dục mầm non triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50. Trong đó, số trường công lập là 449 trường (tỷ lệ 94,72%), trường mầm non dân lập tư thục là 401 trường (50,9%), số lớp mẫu giáo độc lập tư thục là 368 lớp (20,7%).

Tổng số trẻ tham gia chương trình làm quen tiếng Anh là 156.878 trẻ (57,37%). Trong đó trẻ từ 3-4 tuổi là 39.958 trẻ (51,85%); trẻ từ 4-5 tuổi là 55.524 trẻ (56,77%); trẻ từ 5-6 tuổi là 61.396 trẻ (62,28%). Tổng số giáo viên tham gia giảng dạy chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo toàn TP.HCM là 3.181 giáo viên. Trong đó, giáo viên Việt Nam là 2.295, tỷ lệ 72,1%, giáo viên bản ngữ là 232, tỷ lệ 7,3%. Hơn 180 đơn vị đang phối hợp thực hiện chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Phụ huynh đồng thuận cao

Bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc cho trẻ làm quen tiếng Anh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phan giúp trẻ sớm làm quen với ngôn ngữ thứ 2. Thông qua việc học tiếng Anh trẻ đã mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp, hứng thú, không áp lực. Trẻ được tìm tòi, trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng theo phương châm “chơi mà học, học mà chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh, hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.

Chương trình được thiết kế, xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo tính khoa học, vừa sức, nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó, liên thông giữa các độ tuổi, định hướng phát triển năng lực giao tiếp cho trẻ.

Các trung tâm phối hợp xây dựng chương trình giảng dạy cho trẻ theo từng độ tuổi và mỗi giai đoạn dựa trên khảo sát khả năng của trẻ theo quy định. Giáo viên chủ động, linh hoạt lựa chọn chủ đề, phương pháp truyền đạt phù hợp để trẻ dễ hiểu, dễ nhớ. Việc làm quen tiếng Anh giúp trẻ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên thay vì phải học một cách bắt buộc, gò bó. Trẻ học và chơi bài hát, bài thơ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, qua đó giúp trẻ phát triển toàn diện và tạo tiền đề cho học tiếng Anh tốt hơn ở các bậc học tiếp theo.


Trên 57% trẻ mẫu giáo TP.HCM được làm quen với tiếng Anh

Đặc biệt, theo bà Điệp, việc triển khai chương trình nhận được sự đồng thuận, quan tâm và phối hợp hiệu quả giữa cha mẹ với nhà trường trong việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. Trẻ tham gia các giờ học hứng thú, mạnh dạn, tự tin, tích cực trong các giờ hoạt động giao tiếp, thực hành bằng tiếng Anh.

Dù vậy, số trẻ mẫu giáo được tham gia chương trình làm quen tiếng Anh tại các trường mầm non cao song số trẻ tham gia tại các cơ sở nhóm lớp độc lập còn thấp do cơ sở vật chất chưa đảm bảo điều kiện tổ chức. Trẻ mẫu giáo ở huyện ngoại thành trong diện hộ cận nghèo không thu được phí tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh dẫn đến trẻ không có cơ hội tiếp cận ngoại ngữ.

Cạnh đó, số trẻ tham gia trong một giờ hoạt động làm quen tiếng Anh ở một số cơ sở giáo dục mầm non còng đông, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy làm quen tiếng Anh cho trẻ. Một số cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với trung tâm ngoại ngữ thực hiện tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh chưa đúng theo quy định. Một số giáo viên của trung tâm thiếu chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh.

“Để khắc phục những khó khăn trê, Sở GD-ĐT TP.HCM đề ra nhiều giải pháp: định hướng phòng giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, đơn vị phối hợp nâng cao chất lượng tổ chức làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo, nhằm quản lý tốt, thực hiện hiệu quả chương trình hướng đến đúng chuẩn quốc tế làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo; Tạo điều kiện các đơn vị tham gia học tập, chia sẻ mô hình; Song song tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục mầm non trong việc phối hợp với đơn vị tổ chức, dự giờ việc tổ chức hoạt động và kiểm soát hồ sơ theo quy định thông tư 50”- bà Lương Thị Hồng Điệp nói.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, mức thu tổ chức giảng dạy cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở trường mầm non công lập dao động từ 120.000 đồng – 480.000 đồng/trẻ/tháng. Mức thu bình quân là 320.000 đồng/trẻ/tháng.

Với trường mầm non ngoài công lập, mức thu dao động từ 100.000 đồng – 1.540.000 đồng/trẻ/tháng. Mức thu bình quân là 500.000 đồng/trẻ/tháng.

Ở các nhóm lớp, mức thu dao động từ 80.000 đồng-300.000 đồng/trẻ/tháng. Mức thu bình quân là 200.000 đồng/trẻ/tháng.

Yến Hoa

Bình luận (0)