Giáo dục lý luận chính trị là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng. Tuy nhiên, công tác này đang gặp một số khó khăn, hạn chế đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục để cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị…
TS. Bùi Thị Ngọc Trang – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM – phát biểu tại hội thảo
Cán bộ, đảng viên còn… ngại học lý luận
Ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM – nhấn mạnh, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị hiện nay là vấn đề cấp bách. Bởi, cấp ủy ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của trung tâm chính trị quận, huyện; chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị; chưa tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia học tập lý luận chính trị. Mặt khác, một bộ phận giảng viên có chất lượng chuyên môn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy. Một bộ phận cán bộ, đảng viên… còn ngán ngại học tập lý luận hoặc học tập chiếu lệ, hình thức, điểm danh cho có mặt mà thiếu sự tự giác, chủ động trong học tập, nghiên cứu. Một số giáo trình đã cũ, lạc hậu, không cập nhật với chuyển biến, tốc độ của tư duy, của thực tiễn cách mạng…
Tại quận 7, trong giai đoạn 2020-2023, Quận ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm Chính trị quận tổ chức 114 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 40.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên với các khóa đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo… Nhìn chung, công tác giảng dạy, học tập lý luận chính trị tại quận 7 được Quận ủy quan tâm nên đã tác động tích cực trên các lĩnh vực của đời sống, kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, theo TS. Huỳnh Tiểu Phụng – Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận 7 – thì, thực tiễn thời gian qua cũng như tình hình mới hiện nay, công tác giảng dạy lý luận chính trị còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức trong việc cử cán bộ đi học; một số đơn vị phòng, ban, đoàn thể chính trị – xã hội chưa thật sự chủ động phối hợp với trung tâm chính trị trong việc đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ hệ thống chính trị cơ sở; tài liệu, giáo trình, nội dung, phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới; nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với nhu cầu công việc, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; cơ sở vật chất nói chung, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập lý luận chính trị nói riêng còn bất cập và nhiều khó khăn.
TS. Bùi Thị Ngọc Trang – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM – chia sẻ, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và quận, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, mối liên hệ phối hợp, hỗ trợ tổ chức và quản lý giữa Học viện Cán bộ TP với các trung tâm chính trị trong công tác giáo dục lý luận chính trị ngày càng chặt chẽ; thường xuyên tăng cường đội ngũ và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên là một trong các nhiệm vụ hàng đầu. Song vẫn còn một số khó khăn, trong đó kết quả học tập dựa trên điểm số của học viên chưa phải là yếu tố duy nhất phản ánh chất lượng học tập. Kết quả học tập còn tùy thuộc vào động cơ học tập, khả năng tiếp thu của người học.
Bà Huỳnh Tiểu Phụng – Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận 7 – nêu ý kiến tại hội thảo
“Thực tiễn cho thấy người học có động cơ học tập đúng đắn sẽ nỗ lực vượt qua mọi thử thách trong học tập để đạt mục tiêu đặt ra của tổ chức, đơn vị cử người đi học, tổ chức dạy học và bản thân. Khi đó yếu tố còn lại quyết định kết quả học tập là năng lực truyền đạt kiến thức của người dạy đáp ứng mục tiêu đào tạo ở mức độ nào. Ngược lại, động cơ học tập chưa tốt thì dù cho người dạy có đáp ứng về năng lực cũng không thể mang đến chất lượng học tập như mong muốn”, bà Trang nói.
Phải thoát khỏi tâm thế đi học chính trị là bị ép buộc
Để nâng cao công tác giảng dạy, học tập lý luận chính trị đòi hỏi sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực kiên trì của tập thể lãnh đạo và từng cá nhân có trách nhiệm tại đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập.
Ông Nguyễn Xuân Tiến – Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận Tân Bình – cho rằng, công tác này cần thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán các giải pháp. Bên cạnh đó phải có sự đồng lòng, thống nhất thực hiện nghiêm túc từ trên xuống dưới, từ chủ thể giảng dạy đến nhận thức của đối tượng học tập cũng như tâm huyết của đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cả sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành để chất lượng giáo dục lý luận chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao nhất.
ThS. Hoàng Thị Tuyền – Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – đề xuất, việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cần có trọng tâm, trọng điểm theo từng đối tượng. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật những kiến thức mới, kịp thời, thiết thực với yêu cầu hoạt động thực tiễn xã hội và công tác xây dựng, phát triển Đảng tại Đảng bộ TP, đảm bảo cung cấp cho người học những tri thức, khoa học, kỹ năng xử lý tình huống chính trị thực tiễn.
Nêu lên một số giải pháp rút ra từ thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lý luận chính trị, bà Võ Thị Hoàng Oanh – Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Bình Chánh – cho rằng, người quản lý phải thật sự coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chăm chút công tác này như phần việc sống còn của Đảng. Đối với người giảng dạy, phải giảng đúng nghị quyết, chủ trương nhưng cần diễn đạt gần gũi, dễ hiểu, thu hút người học. Còn với người học, phải xác định đây là cơ hội để nâng cao hiểu biết, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và phải thoát khỏi tâm thế đi học chính trị là bị ép buộc.
“Học tập lý luận chính trị không phải chú trọng từ khi mới bắt đầu học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng. Việc học tập lý luận chính trị thường xuyên nhất là học nghị quyết. Ở cấp độ TP, quận, huyện ủy và cơ sở Đảng phải chú trọng từ khâu triển khai nghị quyết…”, bà Oanh nói.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)