Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa các môn. Trước thông tin này, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn đã lưu ý học sinh không hoang mang, lo lắng mà hãy tin tưởng ở thầy cô của mình, nắm thật vững kiến thức môn học để an nhiên bước vào kỳ thi.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) trong giờ học môn lịch sử
Cô Lê Tường Quyên (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, Q.1) cho hay, thông tin Bộ GD-ĐT không ra đề minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 chắc chắn gây hoang mang cho một bộ phận học sinh và phụ huynh. Còn về phía giáo viên, điều này không tác động quá nhiều đến kế hoạch giảng dạy, ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh. “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 với các kiến thức nền tảng trọng tâm dựa trên ma trận của các đề thi năm trước. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng học sinh cũng được các thầy cô lồng ghép trong từng tiết dạy”, cô Quyên cho biết. Theo cô Quyên, thời điểm này học sinh cuối cấp nên tập trung vào các kiến thức mà thầy cô đã dạy, học đến đâu nắm chắc đến đó, không quá lệ thuộc vào những đề thi tham khảo, đề thi minh họa, từ đó có tâm lý đoán đề, học tủ, học lệch.
Tương tự, cô Võ Thị Huyền (Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2) khẳng định, đề minh họa chỉ là một trong nhiều kênh để giáo viên tham khảo ôn tập cho học sinh. Có hay không có đề minh họa cũng không ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy của giáo viên bộ môn. “Mỗi trường đều đã có những định hướng từ đầu, như bồi dưỡng cho học sinh yếu kém qua hình thức giúp bạn cùng tiến trong mỗi lớp học. Cạnh đó, do việc định hướng phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh được thực hiện từ sớm nên việc học của các em cũng không quá áp lực. Các giáo viên bộ môn sẽ biết chính xác nhất học lực của học sinh ở đâu, từ đó lên kế hoạch lấp lỗ hổng những kiến thức đó cho các em”, cô Huyền cho biết.
“Các em học sinh hãy ôn tập theo ma trận mà thầy cô cung cấp, học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đó. Xây dựng cho mình kế hoạch ôn tập khoa học, không học tủ, học lệch…”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) nhắn nhủ. |
Đặc biệt, cô Huyền nhấn mạnh: Các em học sinh nên yên tâm theo cách ôn tập của nhà trường, tin tưởng ở chính thầy cô của mình để có kế hoạch học tập khoa học.
Cô Lê Thị Diệu Hiền (giáo viên môn lịch sử Trường TH-THCS-THPT Tân Phú, Q.Tân Phú) cho biết Bộ GD-ĐT không ra đề minh họa thì giáo viên bộ môn sẽ dựa vào ma trận đề thi những năm trước để định hướng cho học sinh trong quá trình ôn tập. “Mọi năm, khi Bộ GD-ĐT ra đề minh họa thì cũng chỉ có 60-70% kiến thức ở đề minh họa là nằm trong đề thi chính thức. Do đó, kỳ thi tới đây dù không có đề minh họa thì học sinh cũng không nên hoang mang, lo lắng. Đề minh họa cũng chỉ mang tính… minh họa, không phải là kim chỉ nam của cả một kỳ thi. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây khó khăn trong vấn đề ôn tập cho học sinh bởi kiến thức sẽ dàn trải hơn”, cô Hiền nhìn nhận. Theo cô Hiền, ở môn lịch sử, học sinh nên học theo sơ đồ tư duy, lập biểu bảng, học trọng tâm từ khóa theo từng bài, từng chủ đề. Ở các sự kiện, học sinh không cần quá quan tâm đến các con số mà nên ghi nhớ mục đích để rút ra ý nghĩa của sự kiện, giải thích bản chất sự kiện. “Với kiến thức lớp 10, 11, người học chỉ nên nhìn lại các thông số quan trọng. Kiến thức lớp 12 vẫn là chủ đạo, tập trung cho kỳ thi”, cô Hiền lưu ý.
Ở môn văn, cô Nguyễn Thị Vũ Huệ (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) cho biết học sinh chỉ cần nắm các ý chính của tác phẩm, nên học theo chủ đề để có thể xâu chuỗi được nhiều ý, nhiều vấn đề xuyên suốt chương trình của 3 khối. Bên cạnh đó, người học cũng cần quan tâm đến các vấn đề nghị luận xã hội, những vấn đề gắn với lứa tuổi và thời sự để đưa ra được những lập luận, chính kiến, hỗ trợ cho bài văn nghị luận xã hội. “Chủ yếu vẫn là kiến thức lớp 12; những kiến thức ở hai lớp dưới, học sinh cần chọn lọc, tập trung vào những tác phẩm nổi trội, không nên quá dàn trải”, cô Huệ nhấn mạnh.
Trong khi đó, lời khuyên được thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) đưa ra cho các em học sinh trong giai đoạn này là cần phải bình tĩnh, lắng lại để nắm bắt các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. “Các em không nên quá sốt ruột trước việc không có đề thi minh họa. Việc không có đề thi minh họa, như Bộ GD-ĐT thông tin thì người học hoàn toàn có thể dựa vào ma trận đề năm trước để ôn tập. Bên cạnh đó, theo lộ trình Bộ GD-ĐT công bố trước đó, năm nay kiến thức bài thi sẽ vẫn nằm trong chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12. Do đó, các em học sinh hãy ôn tập theo ma trận mà thầy cô cung cấp, học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đó. Xây dựng cho mình kế hoạch ôn tập khoa học, không học tủ, học lệch…”, thầy Phú nhắn nhủ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)