Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần tôn trọng tư duy phản biện của học sinh!

Tạp Chí Giáo Dục

Mt hc sinh tương tác vi chuyên gia tâm lý Tô Nhi A trong mt hot đng ngoi khóa (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Năm ngoái, một phụ huynh có con học lớp 10 bất bình chia sẻ với tôi: “Học xong truyện cổ tích Tấm Cám, cô giáo dạy văn của con gái tôi hỏi cháu cảm nhận thế nào về nhân vật trong truyện. Con tôi nói rằng cháu ghét Tấm. Và bị cô giáo trách mắng với những lời lẽ khá nặng nề, lại còn cho cháu điểm kém nữa. Về nhà cháu ấm ức kể với tôi…”. “Thế cháu có giải thích cho cô giáo lý do cháu ghét Tấm không?”, tôi hỏi. Vị phụ huynh này bảo: “Không. Khi về nhà cháu mới phân trần với tôi rằng sở dĩ cháu ghét Tấm vì thấy Tấm nhu nhược, nhẹ dạ, bị lừa nhiều lần mà không nhận thấy. Lại còn sai người giết em mình nữa. Trong khi đó Cám chỉ vì hám lợi và nghe theo lời mẹ độc ác nên đối xử tệ với Tấm. Cháu nói, chỉ ghét mụ dì ghẻ chứ không ghét Cám!”. Theo vị phụ huynh này, như thế là cô giáo đã quá áp đặt một cách khắt khe, cứng nhắc với học sinh. Còn tôi lại nghĩ thêm, giá mà cô giáo cho em học sinh này cơ hội được giải thích, được bày tỏ quan điểm thì sẽ hay hơn dường nào. Và sẽ “sư phạm” hơn, nếu cô giáo có sự phân tích, mổ xẻ đúng sai từ ý nghĩ của học sinh để đúc kết, rút ra ý nghĩa bài học giáo dục cho các em một cách hiểu đúng, cách nhìn đúng. 

Tôi nhớ trong một buổi nói chuyện chuyên đề về tình huống ứng xử sư phạm mới đây, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khuyên giáo viên là phải biết đặt học sinh vào các tình huống có vấn đề, từ đó kích thích, gợi mở để các em được bày tỏ chính kiến (có thể đúng, có thể sai). Giáo viên không nên áp đặt cách hiểu một chiều nhưng phải có nhiệm vụ định hướng để học sinh hiểu đúng vấn đề, nhằm đảm bảo mục đích giáo dục.

Tôi cho rằng đó là những cách ứng xử sư phạm đúng đắn, nhất là trong bối cảnh đổi mới phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm như hiện nay. Một giáo viên dạy toán lâu năm chia sẻ với tôi: “Trước khi đi đến kết luận một định lý, một công thức, bao giờ tôi cũng đặt học sinh vào những tình huống giả định “có vấn đề”, từ đó kích thích sự khám phá của các em. Có nhiều em đưa ra những cách giải rất hay, rất thú vị”. Chỉ riêng môn ngữ văn lớp 10, nếu nhìn vào cách biên soạn ở gợi ý học bài cũng thấy quan điểm đó. Chẳng hạn Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy có nhiều cách hỏi nhằm cho học sinh bày tỏ ý kiến trái chiều xung quanh hai hình tượng nhân vật Trọng Thủy và Mỵ Châu. Đó là cách rèn luyện cho học sinh có tư duy biện chứng. Nếu không, chẳng hạn, hình tượng “thằng Bờm” trong bài ca dao Thằng Bờm sẽ bị hiểu sai là Bờm “ngu”, Bờm “dại”. Hoặc khó bào chữa cho cách “khôn” của người nông khi “lừa” con hổ để đốt mà lại gọi là “khôn” qua truyện Trí khôn của tao đây. Và ngay cả truyện Tấm Cám nói ở trên cũng thế: “Tấm tốt hay xấu khi giết Cám?”. Trong những tình huống này rất cần đến tư duy phản biện của người học và vai trò định hướng của giáo viên để học sinh hiểu đúng tác phẩm, nhằm đạt mục đích giáo dục.

Trn Nhân Trung

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)