Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhà trường – doanh nghiệp: Mối liên kết còn “ăn xổi ở thì”

Tạp Chí Giáo Dục

Doanh nghiệp (DN) chưa thật sự gắn kết với nhà trường, cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động… là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, TCCN đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua.

DN phải có nghĩa vụ đào tạo

Theo nhiều hiệu trưởng, việc đào tạo gắn kết với DN là việc làm cấp bách hiện nay và đây cũng là một trong những mục đích chính để thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, TCCN đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ.

PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, TCCN đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ, cho biết: “Qua hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng sẽ tạo tiếng nói chung gắn kết với các sở/ngành và DN để nhà trường đào tạo đúng nhu cầu của DN. Hội đồng sẽ gắn kết nhiều hoạt động với DN ở TP.HCM và các tỉnh/thành lân cận có nhu cầu tuyển dụng sinh viên khối ngành này để giúp các em thực hành, thực tập nâng cao tay nghề và đặc biệt là đặt vấn đề tuyển dụng lâu dài với các trường”.

GS.TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, phát biểu tại hội nghị

Từ nhiều năm nay, các trường đã liên kết với DN nhưng vì sao lại phải tiếp tục đẩy mạnh. GS.TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, giải thích: “DN phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trong đào tạo. Thí dụ như ở Đức, tôi thấy mối quan hệ giữa DN và nhà trường ở đó rất khăng khít. DN cần thật sự lao động có tay nghề nên họ có nghĩa vụ đưa sinh viên đến DN thực tập và có nghĩa vụ cùng đào tạo sinh viên với nhà trường. Ở Việt Nam gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều mối liên kết giữa DN với nhà trường, tại các buổi lễ tốt nghiệp, DN cũng đến trường tuyển dụng nhưng mối quan hệ này vẫn còn “ăn xổi ở thì”, chưa phải là nghĩa vụ của DN”.

Cùng với việc đẩy mạnh liên kết với DN để chia sẻ chương trình đào tạo, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành thực tế thì hoạt động của hội đồng này được các đại biểu cho biết sẽ giúp ngành giáo dục cân đối cơ cấu đào tạo. GS.TS Đào Văn Lượng chia sẻ thêm: Năm 2002, ngành GD-ĐT đã có Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ nhưng nay TP.HCM thành lập Hội đồng Hiệu trưởng theo từng khối ngành là đúng, trong đó việc thành lập riêng cho khối ngành công nghệ kỹ thuật là rất quan trọng. Xu thế tuyển sinh những năm gần đây chuyển dần sang công nghệ, ví dụ như số lượng thí sinh đăng ký vào ngành điện – điện tử và kỹ thuật công trình của trường chúng tôi tăng hẳn so với các ngành khác. Hội đồng này được thành lập sẽ góp tiếng nói để cơ cấu đào tạo giữa các ngành phù hợp với nhu cầu DN hơn trong khi chiếc gậy điều khiển của Nhà nước về vấn đề này còn yếu.

Từ hợp tác đơn phương thành đa phương

Hợp tác như thế nào với DN để tạo hiệu quả cao trong đào tạo là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra bởi nếu chỉ trông chờ vào hoạt động chung của hội đồng (hội đồng tổ chức mỗi năm vài ba hội thảo với DN) thì kết quả đưa lại sẽ không cao.

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, thẳng thắn: “Hội đồng chỉ tổ chức hội thảo mỗi năm vài lần mà muốn kéo khối ngành kỹ thuật công nghệ phát triển là rất khó. Trong khi đó, hướng đi của các trường ĐH, CĐ, TCCN lại khác nhau và cách nghĩ cũng khác nhau. Vì vậy, theo tôi, hội đồng nên tổ chức các câu lạc bộ cho từng nhóm ngành như CNTT, cơ khí, ô tô… Những câu lạc bộ này sẽ chịu trách nhiệm thường xuyên tổ chức hội thảo, hội họp với DN để tăng cường sự kết nối. Từ việc liên kết đơn phương này mới “nở nồi” ra quan hệ đa phương”.

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: “Tùy từng thế mạnh, điều kiện của từng trường để đăng ký với hội đồng tổ chức các hoạt động gắn kết với DN, với giảng viên, sinh viên. Nhưng hội đồng cần thống nhất ý chí chung thì những hoạt động sau đó mới có hiệu quả. Việc trước tiên cần làm của hội đồng là tổ chức quảng bá thế mạnh của từng trường với DN bởi nhiều khi nhà trường có thế mạnh đào tạo ngành này, ngành kia nhưng DN lại chưa biết đến. Đồng thời, chúng ta phải tăng cường ký kết hợp tác với các trường nước ngoài để chia sẻ thư viện học tập…”.

Bài, ảnh: Dương Bình

“Thông qua hoạt động của hội đồng sẽ giúp các trường tăng cường hợp tác song phương, đa phương với DN. Từ đó các trường sẽ quảng bá thế mạnh ở từng lĩnh vực của mình, còn DN và hiệp hội DN sẽ biết đến để đặt hàng theo nhu cầu”, ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TC CNTT Sài Gòn, chia sẻ.

 

Bình luận (0)