Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tập huấn công tác tài chính cho cán bộ công đoàn cơ sở 2023

Tạp Chí Giáo Dục

Công đoàn Viên chức TP.HCM vừa tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn xây dựng dự toán tài chính cho cán bộ công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên trực thuộc.


Buổi tập huấn hướng dẫn xây dựng dự toán tài chính cho cán bộ công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên trực thuộc

Báo cáo viên gồm ông Thân Tiến Trung – chuyên viên Ban Tài chính Liên đoàn Lao động TP.HCM và các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch và kế toán các công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên thuộc Công đoàn Viên chức TP.HCM. 

Tại hội nghị, báo cáo viên đã hướng dẫn các văn bản quy định, hướng dẫn mới về công tác tài chính; quy định về chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn; quy định nội dung, định mức, chế độ thu, chi của công đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó, báo cáo viên còn hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn cơ sở, hướng dẫn xây dựng dự toán, quyết toán, sổ sách thu, chi tài chính… theo quy định của Luật kế toán, Bộ Tài chính, quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo cáo viên cũng giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về công tác tài chính công đoàn và nhiều vấn đề liên quan giúp cho cán bộ công đoàn cơ sở nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ tài chính công đoàn.

Qua hội nghị, các cán bộ công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên đã nắm chắc hơn nghiệp vụ tài chính – kế toán, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn ở các đơn vị trong thời gian tới.

Tài chính công đoàn là một bộ phận trong các khâu của tài chính chung, là điều kiện đảm bảo cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn theo Luật Công đoàn.


Cán bộ công đoàn cơ sở tham dự tập huấn

Tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng góp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội).

Trước đó, Công đoàn Viên chức TP.HCM cũng đã tổ chức lớp tập huấn cán bộ công đoàn phụ trách chính sách pháp luật, Ban Thanh tra nhân dân và triển khai luật thực hiện dân chủ tại cơ sở.

Báo cáo viên Nguyễn Huỳnh Kiên Trúc – Phó Chánh Văn phòng Thanh tra TP.HCM đã trao đổi những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phân tích những điểm mới của luật so với các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ trước đây. Đồng thời, cung cấp những thông tin, dẫn chứng cụ thể về phương thức thực hiện quy chế dân chủ trong tình hình hiện nay.

Sau buổi tập huấn, các đơn vị thực hiện tuyên truyền, phổ biến luật đến công chức, viên chức, đoàn viên, cơ quan, đơn vị; rà soát các văn bản, quy định liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng, ban hành văn bản thực hiện dân chủ ở cơ sở, các quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Mục đích là đưa luật đi vào cuộc sống nhằm bảo đảm quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thực hiện tốt hơn tại cơ sở; đồng thời nêu cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10-11-2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023 gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. 

Hồ Trinh

Bình luận (0)