Nhiệt độ khắc nghiệt từ Texas – Mỹ tới Tokyo – Nhật Bản mùa hè này là cơn đau đầu mới cho hệ thống năng lượng trên thế giới
Mùa hè năm nay đặc biệt khắc nghiệt khi nhiều cơ quan khí tượng khắp thế giới chỉ ra tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới, còn tháng 6 trước đó là tháng 6 nóng kỷ lục. Chính vì nhiệt độ quá cao này mà lượng dầu được lọc trên toàn cầu bị cắt giảm ít nhất 2% trong 2 tháng kể trên, theo Tập đoàn Macquarie (Úc).
Con số tưởng như không đáng kể này lại khiến người trong ngành lo ngại bởi hệ thống nhà máy lọc dầu đang xuống cấp sau nhiều năm không được đầu tư đúng mức và các thị trường sản phẩm dầu hiện chịu nhiều căng thẳng do cuộc xung đột ở Ukraine.
"Các điều kiện thời tiết cực đoan năm nay thật sự gây ra vấn đề lớn cho nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu và Mỹ; các sự cố cũng khó sửa chữa hơn" – ông Ben Luckock, người đứng đầu bộ phận giao dịch dầu của tập đoàn Trafigura (Singapore), nhận định trong một cuộc phỏng vấn tuần này.
Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Beaumont của Tập đoàn Exxon Mobil ở Beaumont, bang Texas – Mỹ. Ảnh: Reuters
Riêng tại châu Âu, tính toán của hãng tư vấn FGE (Anh) cho thấy lượng dầu thô được lọc mùa hè này giảm 700.000 thùng/ngày, tương đương 6% sản lượng khu vực, so với mùa hè năm ngoái và hơn phân nửa lượng sụt giảm là do thời tiết nắng nóng.
Bên cạnh việc gây sụt giảm nguồn cung, nhiệt độ gia tăng còn kéo theo nhu cầu dùng dầu để sản xuất điện ở Trung Đông và Nam Á. Chi phí vận chuyển cũng tăng theo khi nhiệt độ cao làm khô hạn các tuyến đường thủy quan trọng như sông Rhine ở châu Âu và kênh đào Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.
Giới chuyên gia nhận định nhiệt độ cực đoan hiện vẫn gây nhiều lo ngại cho mạng lưới điện hơn là các nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thời tiết lên các thị trường nhiên liệu rõ nét hơn nhiều khi các kho dự trữ sụt giảm.
Vấn đề là không chỉ nhiệt độ tăng cao vào mùa hè làm ảnh hưởng tới hoạt động lọc dầu lẫn giá nhiên liệu. "Biến đổi khí hậu cũng gây ra nhiều mùa đông cực đoan hơn ở Bắc bán cầu, bao gồm Bắc Á, châu Âu và Bắc Mỹ" – ông Henning Gloystein, Giám đốc về các nguồn lực và khí hậu năng lượng của Hãng tư vấn Eurasia Group (Mỹ), cho biết.
Đợt lạnh ở Mỹ vào cuối tháng 12-2022 là một ví dụ. Sản lượng lọc dầu lúc đó giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày, theo Ngân hàng JPMorgan (Mỹ).
Hoạt động lọc dầu bị gián đoạn do thời tiết càng bồi thêm thách thức cho nỗ lực thoát nhiên liệu hóa thạch của thế giới. "Bất kỳ sự cố nào xảy ra với nguồn cung ở bất cứ đâu cũng khiến thị trường cực kỳ bất ổn. Ai cũng biết là không hề có kế hoạch dự phòng. Chúng ta không có nguồn dự trữ, cũng không có sản lượng dôi dư ở đâu cả" – ông Frederic Lasserre, Giám đốc nghiên cứu và phân tích toàn cầu của Tập đoàn Gunvor (Thụy Sĩ), lo ngại.
Theo Hải Ngọc/NLĐO
Bình luận (0)