Với những lợi thế và tiềm năng nhất định của một thành phố trọng điểm ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng cần có sự đột phá trong cơ chế, chính sách để hướng đến thành phố đổi mới, sáng tạo…
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng 2023 thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố phát triển
Nhiều tiềm năng và lợi thế
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN TP.Đà Nẵng đánh giá, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra các giải pháp, công nghệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo, các sản phẩm và dịch vụ mới tăng cường sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, triển khai các dự án đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm mới cho cộng đồng. Điều này sẽ giúp Đà Nẵng tăng cường sự cạnh tranh và thu hút nghiên cứu, đầu tư và phát triển các yếu tố đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, việc xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo có thể tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp truyền thống; cung cấp cơ hội mới cho các ngành công nghiệp sáng tạo như: CNTT, nghệ thuật truyền thông, thiết kế; giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như giao thông, năng lượng và quản lý tài nguyên.
Việc trở thành thành phố đổi mới sáng tạo cũng có thể tăng cường vị thế và uy tín của Đà Nẵng trên trường quốc tế. Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO sẽ giúp Đà Nẵng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố khác trên thế giới, tạo ra cơ hội hợp tác và phát triển.
Đà Nẵng đã tự đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định, như hình thành thành phố đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, thân thiện, đặc trưng, tương thích theo xu hướng phát triển của các thành phố lớn trong nước và quốc tế; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ngày càng tạo ra những ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa; Thiết lập các chương trình, hành động, dự án phát triển thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) vươn tầm khu vực và tham gia mạng lưới thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu; Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm kết nối, thu hút nghiên cứu và phát triển các yếu tố đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng cần cơ chế đột phá tiến tới đổi mới, sáng tạo
Theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN cho rằng, Đà Nẵng là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên và điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây. Vì vậy Đà Nẵng có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu “Xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế, xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về KNĐMST”. Đó là động lực quý giá để phát triển KNĐMST thành phố trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã có những bước đi phù hợp và đạt được nhiều kết quả tích cực, hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng và ban hành nhiều chính sách về khởi nghiệp cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho khởi nghiệp, đặc biệt đã thành lập trung tâm hỗ trợ KNĐMST thuộc Sở KH&CN và phối hợp với Bộ KH&CN để xúc tiến thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Thành phố cũng đã bố trí không gian đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao, Khu công viên Phần mềm số 2. Đây là những cơ sở quan trọng để hỗ trợ cho hoạt động KNĐMST trên địa bàn thành phố phát triển.
Các cơ sở ươm tạo, cơ sở giáo dục, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, doanh nghiệp KNĐMST của Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ và có vị thế trên bản đồ KNĐMST quốc gia…
Cần sự đột phá về thể chế
Chia sẻ về vấn đề đào tạo nhân lực TS. Trương Tiến Vũ, Trưởng phòng KH-CN (Trường ĐH Duy Tân) thông tin, những năm trở lại đây, nhà trường đã có định hướng nghiên cứu phát triển và ứng dụng, phát triển tài sản trí tuệ hướng đến mục tiêu chuyển giao tri thức, công nghệ. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là hoạt động kết nối với các đối tác doanh nghiệp. Các kết quả sản phẩm nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên ở trường thì đại đa số chỉ mới dừng lại ở dạng công bố khoa học.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN nhìn nhận, Đà Nẵng phải có cơ chế thật sự thông thoáng cho phép tiên phong thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới tại địa phương. Đơn cử như chính sách ưu đãi đầu tư cho công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; kết nối chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy chuỗi sản phẩm OCOP… |
Ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông (Bộ TT&TT) cho rằng, Đà Nẵng cần đầu tư đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển. Đồng thời thu hút doanh nghiệp có chuyên môn sâu nước ngoài tham gia đào tạo tập huấn cho các kỹ sư thiết kế của Việt Nam. Bên cạnh đó, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều tại các nước tiên tiến tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.
Nêu quan điểm của mình, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần quan tâm đến các thể chế, cần có sự đột phá về thể chế. Hiện các mô hình kinh doanh – công nghệ mới ra đời trong bối cảnh pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, trong khi đó các quốc gia trên thế giới đang triển khai các mô hình mới như khung thử nghiệm pháp lý, khu đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo mở để thu hút đầu tư và khuyến khích KNĐMST; hoặc tham gia xếp hạng chỉ số hệ sinh thái KNĐMST… Xem đây là những ưu thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
Phan Lệ
Bình luận (0)