Gần 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng, hàng tồn kho nhiều. Theo đó, để tồn tại và phát triển, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hình thức tiếp cận thị trường. Thay vì chỉ bán hàng trực tiếp cho các đối tác cũ thì nhiều doanh nghiệp đã tận dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp cận người tiêu dùng cũng như tìm khách hàng mới. Tuy nhiên, sàn TMĐT không phải là “cái chợ” dễ vào…
Một doanh nghiệp dệt may Việt Nam đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng được nhanh và nhiều hơn. Ảnh: K.A
Đưa sản phẩm “nhà làm” đến người tiêu dùng thế giới
Ông Phạm Sơn Tùng – Phó ban Hợp tác Hiệp hội TMĐT Việt Nam – cho biết, kênh bán hàng qua sàn TMĐT tại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, tốc độ tăng trưởng trên hai con số. Mặc dù có đến 74% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình tài chính suy giảm so với trước dịch, tuy nhiên, giao dịch trên sàn TMĐT vẫn tăng. Nhiều kênh bán hàng như Facebook, Tiktok tăng trưởng nhanh – chiếm gần 47% đơn hàng trên các kênh bán hàng online của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Thống kê hiện nay cho thấy, nông sản, sản phẩm thiết yếu được người tiêu dùng quan tâm nhiều. Đơn cử, trái cây và rau củ chiếm 45%, chăm sóc sức khỏe chiếm 42%, thịt tươi và thực phẩm từ sữa chiếm 40%… Thậm chí, có doanh nghiệp sản xuất bánh tráng, muối tôm Tây Ninh nhưng sản phẩm đã bán khắp thế giới thông qua sàn TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba”, ông Tùng nói.
Bị tác động bởi nhiều khó khăn, không có đơn hàng khiến doanh số xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ của Công ty TNHH Gia Nhiên trước dịch khoảng 1,2 triệu USD/năm nhưng sau dịch còn khoảng 70%, kéo dài đến hiện tại còn khoảng 60%. Để tìm kiếm đơn hàng mới, ngoài các hội chợ quốc tế, công ty còn tích cực tham gia triển lãm và quảng bá trên các nền tảng TMĐT như Alibaba. Ông Trần Hữu Hoài – Giám đốc công ty – cho biết, ở góc độ kinh doanh, bằng mọi cách các doanh nghiệp phải khai thác thị trường. Qua Alibaba, công ty đã đưa các sản phẩm lên kệ quảng cáo đến khách hàng. Kết quả, hai tháng gần đây, bên cạnh khách hàng cũ quay lại đặt hàng còn có cả khách hàng mới đến từ nhiều nước khác nhau. Đây là tín hiệu đáng mừng, mang lại dấu hiệu kinh doanh khởi sắc cho công ty.
Không chỉ tăng đơn hàng, nhờ bán sản phẩm trên sàn TMĐT đã giúp An Phát Holdings từ một cơ sở sản xuất truyền thống trở thành doanh nghiệp phát triển quốc tế. Ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc công ty – cho biết: “Hiện An Phát Holdings có thể giới thiệu sản phẩm xanh mang thương hiệu AnEco trên toàn thế giới”.
Muốn lên sàn, sản phẩm phải “xịn”
Nhiều ý kiến cho rằng, bán hàng trên sàn TMĐT là xu hướng mới nếu bắt kịp sẽ thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số – nhận định, đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc tiếp cận kênh bán hàng này không phải dễ, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc – tâm tư, đơn vị đang có nguồn rau thủy canh lớn và rất muốn phân phối trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, hợp tác xã chưa biết phải bắt đầu từ đâu.
Ứng dụng công nghệ số vào bán hàng trực tuyến tại “Ngày hội kết nối giao thương F&B 2023”. Ảnh: M.P
Ông Dương Đức Trọng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM – chia sẻ, tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên họ lại gặp không ít rào cản. Trong đó, sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp trực tuyến đảm bảo quy trình giao hàng an toàn, giao hàng đúng thời gian trở thành thách thức. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thiếu nhân lực chuyên môn, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng bán hàng hiện đại còn hạn chế.
“Giao dịch nông sản trong kỷ nguyên công nghệ số trở thành xu hướng tất yếu, không chỉ mang lại doanh thu, lợi nhuận cho nông dân mà còn là hướng đi đúng đắn. Chúng tôi mong các sàn thương mại hỗ trợ hơn nữa cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để nông sản bán trên sàn TMĐT dễ dàng, hiệu quả hơn, giúp người kinh doanh có thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”, ông Trọng nói.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm Việt Nam bán trên sàn TMĐT đang đối mặt với những quy định khắt khe từ thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó là rào cản năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt đang cạnh tranh toàn cầu chứ không phải là khu vực hay địa phương. Ngoài ra còn có rào cản về thông tin, chi phí – chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu rất cao.
Ông Nguyễn Bắc Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát về hải quan (Tổng Cục Hải quan) – đánh giá, dù TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh nhưng Việt Nam chưa có quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch. Hàng hóa xuất nhập khẩu gặp phải các vướng mắc về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành…. Để khắc phục, Việt Nam cần đổi mới chính sách quản lý chung, quy trình, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn TMĐT.
Mặc dù kỳ vọng khá nhiều vào sàn TMĐT, song nhiều ý kiến cho rằng, cần cả sự cố gắng của chính các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp phải hiểu khách hàng để có cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu của mình. Kế đến phải đổi mới, đột phá sản phẩm.
“Thông thường các nhà sản xuất chỉ có thể lắng nghe phản hồi từ thị trường thông qua các kênh trung gian là các doanh nghiệp xuất khẩu, bán sỉ. Đặc biệt, ở sân chơi toàn cầu, chất lượng sản phẩm bắt buộc phải nâng cao. Chỉ khi đổi mới sản phẩm và có thương hiệu thì doanh nghiệp mới có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Gijae Seong – Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam – nói.
Minh Phương
Bình luận (0)