Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy trẻ biết sửa chữa tật xấu

Tạp Chí Giáo Dục

Cu Bin, cháu nội tôi sinh 2008, học lớp 4. Cháu có tật xấu: Hay trêu chọc, tranh phần với em gái kém 3 tuổi. Cha mẹ cháu tỏ ra khá cương quyết trong việc giáo dục, không ít lần đã răn đe bằng cả roi vọt. Song xem chừng vẫn chứng nào tật ấy, chẳng những không tiến bộ mà đôi khi còn nghiêm trọng hơn. Tôi cũng bức xúc không nhỏ. Đã nhiều lần tìm lời hơn lẽ thiệt khuyên bảo cháu. Nhưng hiệu quả vẫn là con số 0.

“Phải hiểu trẻ mới dạy được trẻ”. Nhớ lại lời dạy đó của nhà sư phạm nổi tiếng Xu-Khum-Linsky (Nga), tôi kịp nhận ra mình phải bắt đầu từ đâu. Ngày ngày tôi tìm cách cùng chơi, cùng chuyện trò với cháu. Tôi để tâm quan sát từng hành vi, từng lời đối thoại của cháu mong nhận ra cá tính, năng lực sở trường nơi cháu. Biết cháu rất ham đọc sách tôi thường xuyên đưa cháu đến siêu thị sách, cho cháu tự chọn mua những cuốn mình thích. Loại sách mà cháu đặc biệt mê say không phải các tập truyện tranh như những trẻ khác mà là các sách tìm hiểu khám phá về vũ trụ, về địa lý, lịch sử… Một hôm cha cháu (đang dạy ở một trường ĐH) mang về cuốn 300 câu đố tư duy dành cho sinh viên của Trường ĐH Harvard (Mỹ), cháu liền vội mở ra đọc. Thật bất ngờ, chỉ sau đó ít phút cháu đã òa lên sung sướng ríu rít chạy đến khoe với ông đã tìm ra lời giải của 3 bài. Tôi không tin, liền kiểm tra lại. Phải mất gần một giờ sau tôi mới thừa nhận kết quả của cháu là hoàn toàn đúng. Vậy là tôi nhận ra cháu có khả năng tư duy rất khá. Tôi quyết định tác động vào  lý trí của cháu bằng những câu triết luận xem sao. Một chiều, tôi rủ cháu đi ăn kem và nói: “Ông rất thích câu danh ngôn này. Ông đọc xem Bin có hiểu không nhé: Khi gặp thân phận yếu đuối người quân tử họ vuốt ve nâng đỡ, chỉ kẻ tiểu nhân hèn hạ mới chọc ghẹo đấm đá”. Ngay lập tức cháu hỏi lại: “Thế nào là quân tử, thế nào là tiểu nhân hả ông?”. Nghe tôi giải thích xong cháu gật đầu khẳng định: “Vậy là con biết rồi. Người mạnh đối với người yếu phải luôn chăm sóc giúp đỡ chứ không được bắt nạt, thế mới là người tốt đúng không ông?”. Thế em Na (em gái) so với con khỏe hay yếu?”, tôi hỏi. Cháu trả lời ngay: “Em Na sao khỏe bằng con được!”. “Vậy từ nay con nhớ phải chơi với em Na thế nào cho xứng mặt anh hai quân tử nhé!”. Cháu im lặng cầm tay ông giật giật ra vẻ thầm hứa sẽ quyết tâm thực hiện. Từ hôm đó để ý theo dõi tôi thấy Bin chơi với em thân thiện hơn. Đỡ hẳn việc chọc ghẹo, tranh phần, chơi xấu với em…

Thế mới biết trong gia đình, việc giáo dục trẻ sửa chữa một tật xấu là cả một nghệ thuật, rất công phu và tâm huyết. Phải biết lựa gió dong buồm một cách thật khoa học mới mong lái được con thuyền “bướng bỉnh” tới bến bờ vui là vậy.

NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ

Bình luận (0)