Một chuyến bay suôn sẻ chính là dấu hiệu tốt cho quá trình du học ở xứ người. Thế nhưng, với những ai lần đầu tiên đi xa một mình thì chuyện bay luôn là nỗi lo khó tả.
Để giải tỏa những lo lắng cho các bạn trẻ sắp du học, Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận ý kiến chia sẻ của một số du học sinh tại Mỹ – quốc gia được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn để học tập.
Thất lạc hành lý là chuyện… bình thường
Theo Phạm Tường Nguyên (sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ), tháng 9 và tháng 10 là mùa cao điểm du lịch, học tập nên rất khó để săn được vé máy bay rẻ. Giá vé phổ thông tại thời điểm này thường dao động từ 750 đến 1.100 USD tùy thành phố và tùy theo từng hãng bay. Có rất nhiều hãng bay để bạn lựa chọn nhưng hầu hết các hãng đều quá cảnh ở một quốc gia thứ ba như United Airlines (quá cảnh ở Hồng Kông hoặc Nhật Bản), American Airlines và Northwest Airlines (quá cảnh ở Narita – Nhật Bản), Eva Air và China Airlines (quá cảnh ở Đài Bắc – Đài Loan), Korea Airlines (quá cảnh ở Incheon – Hàn Quốc), Singapore Airlines (quá cảnh Singapore)… Vietnam Airlines khai thác các chuyến bay kết hợp sang một nước thứ ba (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…), rồi từ đó bay tiếp sang Mỹ. Sang đến đó, có thể sẽ phải mất thêm một chuyến bay nữa mới tới được bang, thành phố mà bạn muốn đến. Thời gian tổng cộng bay thường từ 20-28 giờ.
“Khi đến các sân bay chuyển tiếp, bạn chỉ cần xem số cửa ra máy bay được in trên vé và ra đó ngồi chờ. Thường thì thời gian chuyển tiếp chỉ tầm 2 giờ, vì thế bạn không nên di chuyển quá xa để tránh lỡ chuyến. Hành lý sẽ được các hãng bay tự chuyển nên bạn không cần phải băn khoăn khi quá cảnh ở sân bay nước thứ ba. Cũng cần lưu ý là hành lý ký gửi không được vượt quá tiêu chuẩn 46kg và không mang theo các chất lỏng, chất bị cấm nếu không sẽ bị ném bỏ không thương tiếc”, Tường Nguyên cho biết.
Trước khi lên máy bay, du học sinh nên chủ động tìm hiểu các thông tin để tránh những rắc rối không đáng có. Ảnh: Một buổi giới thiệu về du học Mỹ tổ chức tại TP.HCM |
Tường Nguyên cho biết thêm, chuyện bị thất lạc hành lý ký gửi khi đến sân bay cuối cùng là… chuyện bình thường nên du học sinh không cần quá lo lắng. Do phải chuyển qua 3-4 chặng bay và có thể một số chuyến bay bị trì hoãn nên điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Cho nên, bạn cần bình tĩnh hỏi nhân viên sân bay bốc dỡ hành lý ở đó xem còn hành lý nào khác không, nếu không thì hãy đến văn phòng phụ trách hành lý mất, thất lạc gần đó để báo. “Thông thường sau khi báo, sẽ mất khoảng 2-3 ngày, thậm chí một tuần để vật trở về với chủ. Do đó, bạn nên để kèm ít nhất 2-3 bộ quần áo trong hành lý xách tay đề phòng chuyện này xảy ra còn có đồ để mặc”, Tường Nguyên nói.
Phải canh thời gian để nhập cảnh
Sân bay ở Mỹ đầu tiên mà bạn đặt chân xuống là sân bay bạn phải làm thủ tục nhập cảnh. “Trước khi máy bay đáp xuống sân bay nhập cảnh này, tiếp viên hàng không sẽ phát cho bạn hai phiếu để điền các thông tin. Một trong hai phiếu này chính là form I-94 – tờ form chứng nhận bạn nhập cảnh hợp pháp ở Mỹ – sau đó nhân viên hải quan sẽ ghim tờ form này vào hộ chiếu của bạn, và bạn sẽ phải giữ nguyên tờ form đó cho tới khi xuất cảnh khỏi Mỹ. Đối với dạng đi du học (J1 hoặc F1), khi làm thủ tục, ngoài hai tấm phiếu mà bạn được phát từ lúc trên máy bay thì bạn còn phải chuẩn bị sẵn hộ chiếu và form DS-2019 (cho visa J1) hoặc I-20 (cho visa F1) để trình cho nhân viên hải quan khi khai báo. Nếu bạn nào đã từng đi du lịch ở quốc gia khác sẽ thấy việc làm thủ tục nhập cảnh rất lâu và đông nên cần phải tranh thủ tối đa thời gian để… đứng xếp hàng chờ đợi, nhất là những người chỉ có 1-2 giờ để quá cảnh ở sân bay”, Nguyễn Minh Đăng (cựu du học sinh tại bang Florida, Mỹ) cho biết.
Đừng lo lắng nếu trễ chuyến bay
Do thời gian ít, thủ tục kiểm tra quá khắt khe, sân bay quá rộng nên khó tìm được đúng hướng, vì vậy chuyện bị trễ chuyến bay là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Kinh nghiệm của Ngô Phương Uyên (sinh viên Trường Longwood University, Mỹ) cho thấy, khi không may bị trễ chuyến bay, bạn nên bình tĩnh gặp nhân viên hãng máy bay mà bạn đi và trình bày lý do… Nếu thấy hợp lý, nhân viên hãng bay sẽ vui vẻ giúp bạn lên các chuyến bay kế tiếp nếu còn chỗ. Còn nếu rơi vào trường hợp này, bạn cứ yên tâm rằng hành lý sẽ chờ mình ở sân bay đó (vì hành lý đã đi theo chuyến bay trước).
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Đừng để rắc rối từ… hành lý Dù công tác giám sát, kiểm tra hành lý đã được thực hiện ở Việt Nam nhưng khi sang đến Mỹ, bất cứ ai cũng phải đi qua cổng an ninh để kiểm tra một lần nữa. Vương Việt Hà (du học sinh ĐH Standford, Mỹ) nhắc nhở: “Tốt nhất, bạn nên tìm hiểu những quy định đối với hành lý của hàng không Mỹ để tránh những rắc rối liên quan. Thông thường, lượng chất lỏng bạn được phép mang lên máy bay trong hành lý xách tay tối đa là 100ml và phải được đựng trong một túi nhỏ, kéo lại. Nếu bạn không để trong túi nhỏ này, đồ của bạn có thể sẽ bị tịch thu và mang nhiều hơn 100ml cũng sẽ bị giữ lại. Khi đi qua cổng an ninh ở Mỹ, bạn cần lôi tất cả đồ điện tử (laptop, điện thoại, iPad, iPod, máy ảnh) từ trong túi ra ngoài và đặt vào trong khay; cởi giày, tất, áo khoác, khăn. Chính vì mất khá nhiều thời gian trong khâu này nên trước lúc bay, tốt nhất bạn nên chọn áo khoác và giày dép kiểu đơn giản, dễ mặc, dễ xỏ, để lúc… cởi ra cho nhanh, tiết kiệm thời gian”. |
Bình luận (0)