Hội nhậpThế giới 24h

Đức âm thầm từ bỏ cam kết với NATO

Tạp Chí Giáo Dục

Đức âm thầm bỏ kế hoạch ràng buộc pháp lý các mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO ở mức 2% GDP.
Quân nhân Đức.
Berlin trước đây đã hứa sẽ đáp ứng mục tiêu 2% của NATO trong khoảng thời gian 5 năm.
Đức đã lặng lẽ từ bỏ kế hoạch ràng buộc pháp lý các mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO – một nguồn tin chính phủ nói với Reuters hôm 16.8.
Theo nguồn tin, luật tài chính ngân sách được nội các của Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông qua hôm 16.8 không có điều khoản biến mục tiêu chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP trở thành một yêu cầu pháp lý.
Thủ tướng Scholz đã cam kết thay đổi lớn trong hệ thống phòng thủ của Đức vào tháng 2 năm ngoái sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, hứa hẹn sẽ “đầu tư hơn 2% GDP vào quốc phòng hàng năm”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức lúc bấy giờ là Christine Lambrecht đã tái khẳng định cam kết của thủ tướng vào tháng 9, tuyên bố Đức phải đáp ứng các mục tiêu của NATO trong dài hạn ngay cả sau khi quỹ đặc biệt trị giá 100 tỉ Euro (101 tỉ USD) cho mức chi tiêu quân sự hiện tại của nước này đã được sử dụng hết. Bà Lambrecht cảnh báo, điều này sẽ đòi hỏi phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng của đất nước.
Đức đang cam kết đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong khoảng thời gian 5 năm. Tuần trước, Đức tiết lộ kế hoạch tăng gấp đôi số tiền tài trợ cho Sáng kiến xây dựng năng lực an ninh của NATO so với năm 2022, dành 5,4 tỉ Euro (5,95 tỉ USD) cho dự án so với 2 tỉ Euro (2,21 tỉ USD) vào năm ngoái.
Theo tuyên bố của chính phủ, số tiền này được sử dụng “chủ yếu để hỗ trợ quân sự cho Ukraina”, cũng như để nạp đầy kho dự trữ quân sự của chính Berlin sau khi chuyển hàng đến Ukraina.
Trong số các khí tài quân sự phong phú dự kiến chuyển đến Kiev có 60 xe chiến đấu bộ binh Marder, 66 xe bọc thép chở quân, 100 xe tăng Leopard, tên lửa Patriot, 6 pháo phòng không Gepard, 18 pháo tự hành và một lượng lớn đạn dược.
Berlin thậm chí đã mua hàng chục xe tăng Leopard bị loại biên cho Ukraina. Hồi đầu tháng, người phát ngôn của công ty quốc phòng Rheinmetall thông báo, 30 xe tăng Leopard 1 lỗi thời sẽ được đưa vào hoạt động trở lại và gửi tới Kiev, trong khi đó nhiều xe khác được tháo dỡ để lấy phụ tùng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại của nước này, ông Boris Pistorius, hồi đầu tháng 8 đã bác bỏ việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraina, với lý do lo ngại "rõ ràng" rằng chúng sẽ được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraina đã mất gần 5.000 vũ khí hạng nặng và hơn 43.000 binh sĩ kể từ khi phát động cuộc phản công được chờ đợi từ lâu vào tháng 6, mà không có thay đổi đáng kể nào ở tiền tuyến.
Nga nhiều lần cảnh báo rằng, việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraina sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và đau khổ cho người dân.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)