Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nên lo, không nên sợ!

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lời khuyên của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân trong và ngoài nước dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tại diễn đàn CEO Forum 3.0 chủ đề “Khởi đầu sứ mệnh: Tư duy 90 hay 600?” vừa diễn ra tại TP HCM.

Năm 2015 đánh dấu sự hình thành thị trường chung ASEAN (AEC) với hơn 600 triệu dân, đồng thời sẽ nhanh chóng hình thành thế hệ người tiêu dùng mới mang tên người tiêu dùng ASEAN. Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thị trường 600 triệu dân vì nhu cầu của tầng lớp trung lưu ở ASEAN (trên 300 triệu người) đang tăng mạnh và chính người tiêu dùng là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng.

Theo TS Hans-Paul Burkner, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), các DN đa quốc gia và một số ít DN Việt Nam có hoạt động trong khu vực xem hội nhập AEC là cơ hội. Trong khi đó, những DN dẫn đầu thị trường trong nước bắt đầu lo, không chắc chắn về cơ hội còn DNNVV rất lo lắng. Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước ASEAN, khoảng 60% DN quy mô vừa sẽ gặp thách thức, 80% DN quy mô nhỏ bị tác động mạnh nếu AEC chính thức hình thành. Cũng theo TS Hans-Paul Burkner, trong bối cảnh có nhiều thay đổi khi hội nhập, DN nên lo nhưng không nên sợ bởi các doanh nhân địa phương luôn biết nắm bắt cơ hội để phát triển. Sự linh hoạt trong kinh doanh, tinh thần sáng tạo, quyết tâm chiến thắng trên cơ sở “biết người biết ta”… sẽ tạo lợi thế cho DN.

Công nhân Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, quận Thủ Đức, TP HCM trong giờ sản xuất Ảnh: VĨNH TÙNG
Công nhân Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, quận Thủ Đức, TP HCM trong giờ sản xuất Ảnh: VĨNH TÙNG

Hội nhập là bắt buộc, các DN trong nước, đặc biệt là DNNVV, cần khắc phục thách thức nội tại là vốn, nhân tài, chiến lược, quản trị hệ thống và kết nối, tạo mạng lưới… Điều quan trọng hàng đầu đối với các DN là bảo đảm giữ vững vị thế của mình, làm ăn chăm chỉ, thông minh hơn để tạo ra khác biệt làm thế mạnh hội nhập. Trước khi sang thị trường khác, DN cần bảo đảm thị phần hiện tại đủ lớn mạnh, vững vàng. Những DN nhỏ nên tận dụng lợi thế nhỏ nhưng linh hoạt, sáng tạo, định vị mình ở những vị thế thấp hơn.

Việt Nam đã hội nhập toàn cầu, phạm vi cạnh tranh không chỉ gói gọn trong thị trường 90 hay 600 nữa mà là nhiều tỉ dân. DN phải nghĩ về những cơ hội và thách thức lớn hơn. Trong cuộc cạnh tranh này, Chính phủ hỗ trợ bằng cách cung cấp nền tảng pháp lý ổn định, bản thân DN phải chủ động tận dụng các thể chế pháp lý đó để tạo dựng việc kinh doanh, từng bước tìm hướng đi và mở rộng cơ hội làm ăn. Ngoài ra, việc sử dụng luật sư tư vấn phải trở thành tư duy trong làm ăn thời hội nhập.

Nói như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quá trình hội nhập buộc chúng ta phải chấp nhận các luật lệ mới với những tiêu chuẩn, thách thức mới. Để vượt qua thách thức và hội nhập thành công, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như nguồn nhân lực của mình, chọn chiến lược phù hợp; nhà nước cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thanh Nhân (NLĐ)

 

Bình luận (0)