Chỉ cần vào “hộp kể chuyện” sau đó bấm nút lựa chọn chủ đề được lập trình sẵn khách tham quan có thể khám phá những câu chuyện lịch sử mà không cần tới sự hỗ trợ của thuyết minh viên. Đây là hướng đi mới nhằm hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các bảo tàng ở TP.HCM.
Em Lê Nguyễn Hồng Anh (lớp 8A1, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) cùng bạn trải nghiệm “hộp kể chuyện”
Tạo sự tò mò muốn khám phá
Những ngày gần đây, ai đến Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ thấy có chiếc hộp hình vuông với không gian vừa đủ cho vài người sử dụng. Trong chiếc hộp này, có nội dung từng câu chuyện được lập trình sẵn để du khách có thể lựa chọn theo ý muốn. Hiện tại, chiếc hộp có 4 câu chuyện gồm: Tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Lương Tài Hầu chi ấn, Ganessha. “Hộp kể chuyện” truyền đạt nội dung qua âm thanh dựa trên thiết kế của Bảo tàng Confluences (Lyon, Pháp) nhằm mục đích giới thiệu với công chúng các hiện vật tiêu biểu trong bộ sưu tập của các bảo tàng ở TP.HCM.
Ở Lyon, những chiếc hộp này được đặt tại các địa điểm công cộng như sân bay, nhà ga hay bệnh viện nhằm đem đến một khoảnh khắc thư giãn, đồng thời tìm hiểu thêm về một hiện vật của bảo tàng trong một không gian tưởng chừng không liên quan. Bên cạnh đó, chiếc hộp cũng là phương tiện để bảo tàng tiếp cận đến những đối tượng công chúng ít quan tâm đến các địa điểm văn hóa, hoặc không có điều kiện lui tới những nơi này thường xuyên.
Các bạn trẻ tự tìm hiểu về hiện vật tại bảo tàng khi không có “hộp kể chuyện”
Bà Đoàn Thị Trang (Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM) cho biết, “hộp kể chuyện” thuộc dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” (PSPI) của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM. Tại TP.HCM, PSPI đã triển khai 3 khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ bảo tàng về các lĩnh vực như đón tiếp công chúng; truyền đạt nội dung và truyền thông, bảo tàng và phát triển bền vững; quản lý và bảo quản bộ sưu tập. “Đầu tháng 6-2023, đoàn cán bộ quản lý các bảo tàng tại TP.HCM đã có chuyến thực địa tại nước Pháp. Các khóa tập huấn và thực địa là cơ hội quý giá để cán bộ bảo tàng học tập, trao đổi kinh nghiệm đồng thời có những định hướng, kế hoạch cho hoạt động của các bảo tàng trong tương lai”, bà Trang chia sẻ.
Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) chia sẻ: “Thông qua các bảo tàng, chúng tôi sẽ cố gắng để tạo nên những câu chuyện độc đáo về chiếc áo dài và đưa vào hộp kể chuyện để lan tỏa chiếc áo truyền thống của dân tộc đến với tất cả mọi người”. |
Theo bà Emmanuelle Pavillon Grosser (Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM), hai chiếc “hộp kể chuyện” được thiết kế và thực hiện nhờ vào sự hợp tác chung giữa những cán bộ tham gia khóa tập huấn của Bảo tàng Confluences, Bảo tàng Lyon và Đại sứ quán Pháp. “Mục đích sản xuất “hộp kể chuyện” nhằm phục vụ người dân TP.HCM, giúp họ hiểu rõ hơn về di sản của mình đồng thời khám phá các bảo tàng của thành phố”, bà Emmanuelle Pavillon Grosser nhấn mạnh.
Tập trung tìm hiểu hiện vật
Thông thường khi đến bảo tàng, khách tham quan đi với số lượng nhiều sẽ được thuyết minh viên hướng dẫn. Tuy nhiên nếu khách đi với số lượng ít phải tự tìm hiểu về hiện vật, những câu chuyện ở đó. Điều này đôi lúc gây ra một số khó khăn cho khách tham quan, nhất là những em nhỏ, người lớn tuổi hoặc những người không biết chữ. Khi “hộp kể chuyện” hoạt động, những đối tượng khách này có thể ngồi nghe thuyết minh vừa xem hình ảnh chuyển động trên máy chiếu.
Em Hoàng Nam (lớp 8A4, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) chia sẻ: “Em thấy chiếc hộp này khá lạ, lần đầu tiên xuất hiện ở TP.HCM nên rủ nhóm bạn đến tìm hiểu. Khi trải nghiệm em thấy cũng tiện lợi. Chỉ cần chọn câu chuyện là hộp sẽ hoạt động kể cho khách nghe câu chuyện mà họ muốn tìm hiểu. Một ưu điểm nữa mà em nhận thấy ở chiếc hộp này là tạo sự tập trung. Bởi vì khi đi theo đoàn nghe thuyết minh viên kể đôi lúc mình sẽ không tập trung nhưng khi vào chiếc hộp này thì mức độ tập trung sẽ tăng lên và có thể tìm hiểu hết câu chuyện”.
“Hộp kể chuyện” có thể đưa ra nơi công cộng để khách trải nghiệm
Đi cùng với Hoàng Nam, em Lê Nguyễn Hồng Anh (lớp 8A1, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) bày tỏ: “Hiện tại thì em cảm thấy chiếc hộp còn khá mới nên chưa cảm nhận được hết ưu điểm của nó. Tuy nhiên về lâu dài chắc chắn chiếc hộp này sẽ mang lại rất nhiều tiện lợi cho khách tham quan, nhất là những khách ít có cơ hội đến bảo tàng”.
Bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ) cho biết, “hộp kể chuyện” được đưa vào bảo tàng là việc làm ý nghĩa. Ngoài đặt ở bảo tàng, “hộp kể chuyện” cũng có thể đưa ra ngoài công cộng như: đường phố, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… để công chúng được chiêm ngưỡng, trải nghiệm. “Trước mắt, hộp kể chuyện chỉ có 4 câu chuyện, sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để đưa thêm nhiều câu chuyện về hiện vật vào để khách tham quan có thể lựa chọn và biết nhiều hơn về hệ thống bảo tàng ở TP.HCM từ đó chung tay góp sức để cùng giữ gìn di sản văn hóa Việt Nam”, bà Thắm cho hay.
Kiều Khánh
Bình luận (0)