Hội nhậpThế giới 24h

Những người già đang chờ chết ở châu Phi

Tạp Chí Giáo Dục

Những người lớn tuổi ở Ethiopia đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng khí hậu khi mà mùa màng không có, gia súc đã chết hết và họ không còn sức để tổn tại.

Loko và mẹ cô, bà Saku Shuna, 89 tuổi, trong trại dành cho những người phải sơ tán vì hạn hán bên ngoài Dubuluk ở miền Nam Ethiopia 

Sau 5 năm hạn hán kỷ lục, mùa màng và gia súc chết hết, nghèo đói diễn ra khắp Ethiopia. Trong khi đó, các cơ quan viện trợ tập trung vào các bà mẹ và trẻ em và vô tình người già ở vùng Sừng châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng khủng khiếp.

Bà Saku Shuna, 89 tuổi, đang nằm bẹp trong một chiếc lều dơ bẩn và tù túng. Bà không thể ngồi nổi và cô con gái Loko phải bồng bế bà ra ngoài. Giống như 28.000 người khác trong trại dành cho những người sơ tán bên ngoài thị trấn Dubuluk, bà Shuna đã kiệt quệ sau những ngày đói khát và bệnh tật.

“Mẹ tôi từng là một phụ nữ mạnh mẽ và sôi nổi nhưng giờ đây bà yếu ớt vì đói đến mức không thể ngồi dậy hoặc thậm chí không thể nói được. Mỗi tháng, mẹ tôi nhận được vài kg bột ngô do 1 tổ chức phi chính phủ viện trợ, nhưng nó quá khó để bà tiêu hóa. Thứ duy nhất mẹ tôi có thể dùng là sữa, nhưng tôi không có tiền để mua nó. Tôi cảm thấy bất lực. Tôi chỉ đang chứng kiến bà ấy chết dần thôi” – Loko nói.

Những người già đang chịu cảnh nghèo đói, suy dinh dưỡng 

Hạn hán ở vùng Sừng châu Phi là tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ. Sau 5 mùa mưa thấp kỷ lục đã khiến khoảng 22 triệu người có nguy cơ chết đói ở Kenya, Ethiopia và Somalia.

Những người lớn tuổi như bà Saku nằm trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở Borena, một nửa số người trên 60 tuổi bị suy dinh dưỡng. Đây là tỉ lệ cao nhất từng được ghi nhận đối với người già trong khu vực. Theo HelpAge International, 1 tổ chức phi chính phủ, tỉ lệ người già suy dinh dưỡng còn cao hơn nhiều so với tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.

Samson Yigezu thuộc tổ chức HelpAge cho biết, có rất ít sự giúp đỡ dành cho người già từ các cơ quan viện trợ, vốn ưu tiên nhắm mục tiêu vào trẻ em và bà mẹ. Vì thế mặc dù người già bị đói cần những trợ cấp đặc biệt, chẳng hạn như thức ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ nuốt nhưng giờ đây tất cả chỉ dành cho các bà mẹ có con nhỏ.

“Những người già ở đây đang ở trong tình trạng tồi tệ. Họ suy kiệt, không có răng chắc khỏe và không thể ăn thức ăn bình thường do các tổ chức phi chính phủ cung cấp. Họ là nhóm có mức độ suy dinh dưỡng cao nhất. Tuy nhiên, họ hoàn toàn bị bỏ qua bởi tất cả mọi người – các cơ quan viện trợ, chính phủ, thậm chí cả cộng đồng. Đó là 1 thất bại lớn" – Yigezu nói.

Kiro Godana bên ngoài lều của mình. Ảnh: Fred Harter

Ông Kiro Godana bên ngoài lều của mình – Ảnh: Fred Harter

Người già ở khu vực này con thê thảm hơn khi phong tục địa phương nơi này lại khá xem thường người lớn tuổi. Họ chỉ được ăn khi nào con cái cho ăn. Duba Galgalo, 78 tuổi, có 12 đứa cháu, cho biết: “Kể từ khi hạn hán bắt đầu, tôi luôn ăn cuối cùng. Gia đình chia sẻ 1 bữa ăn mỗi ngày. Nếu sau khi chúng ăn xong mà không còn gì, tôi sẽ nhịn ăn suốt cả buổi tối. Nhưng ít nhất tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì bọn trẻ đã ăn xong".

Ngồi bên ngoài căn lều của mình trong trại và quấn trong chiếc khăn choàng trắng rách rưới, ông Kiro Godana, ngoài 90 tuổi, nói rằng ông đã chứng kiến ​​nhiều đợt hạn hán nhưng lần này là tồi tệ nhất. “Trước đây, có thể không có mưa trong 1 mùa. Chúng tôi có thể mất 1 đến 2 con bò và những con khác sẽ sống sót. Nhưng lần này dài hơn nhiều. Đó là lý do tại sao đàn bò của chúng tôi không thể sống sót". Ông Godana bị điếc một bên và việc suy dinh dưỡng đã khiến người đối diện thấy gần hết xương của ông và những vết thương rỉ máu luôn chạy dọc theo đôi chân gầy guộc. 

Ông Boru Dido 85 tuổi, cho biết hạn hán đã khiến gia đình ông trắng tay. Ông không còn hy vọng vào ngày mai tốt đẹp. "Gần đây vài cơn mưa đã đến, nhưng gia súc đã chết, mùa màng đã mất, sức khoẻ không còn, chúng tôi không còn gì cả".

Thảo Nguyễn/PNO(theo Guardian)

 

 

 

Bình luận (0)