Sự kiện giáo dụcTin tức

Bỏ quy định về đào tạo chất lượng cao ở trình độ đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Từ tháng 12 năm nay, Bộ GD-ĐT bãi bỏ toàn bộ quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học mà bộ này ban hành từ năm 2014.

Hôm qua 15.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký ban hành thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18.7.2014 của bộ này về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.

Bãi bỏ quy định về đào tạo chất lượng cao ở trình độ đại học - Ảnh 1.

Một lớp học chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA TP.HCM

Theo điều 1 Thông tư 11 thì toàn bộ Thông tư 23 được bãi bỏ. Thông tư 11 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2023.

Với các khóa đã tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23 trước thời điểm Thông tư 11 có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.

Theo Bộ GD-ĐT, việc bãi bỏ toàn bộ Thông tư 23 là thực hiện luật Giáo dục đại học sửa đổi (luật 34). Theo đó, cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Tên gọi các chương trình đào tạo cũng do trường ĐH tự đặt. Còn Bộ GD-ĐT ban hành chuẩn chương trình đào tạo.

Theo Thông tư 23 được ban hành từ năm 2014, Bộ GD-ĐT quy định chương trình đào tạo đại học trong nước có 2 loại chương trình (tương ứng với 2 tên gọi): chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao. 

Chương trình đào tạo đại trà là chương trình đào tạo trình độ đại học đang được thực hiện hợp pháp tại cơ sở đào tạo, có mức trần học phí theo quy định hiện hành của Chính phủ (đối với cơ sở đào tạo công lập).

Chương trình chất lượng cao là chương trình đào tạo có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đào tạo đại trà tương ứng, đồng thời đáp ứng các tiêu chí và điều kiện mà Bộ GD-ĐT quy định.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Bình luận (0)