Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phong độ tâm lý phòng thi

Tạp Chí Giáo Dục

Trước mỗi kỳ thi chúng ta thường có những áp lực, lo âu, căng thẳng, việc làm thế nào để có tâm lý phòng thi vững vàng, hoàn thành bài thi như ý là cần thiết đối với các thí sinh. Dưới đây là những chia sẻ của ThS. Phạm Doãn Nguyên – Chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm sẽ giúp cho “sĩ tử” có được tinh thần và tâm thế tốt bước vào kỳ thi một cách thuận lợi, với phong độ tâm lý phòng thi tốt nhất.

Giữ gìn sức khỏe tốt

Sức khỏe rất quan trọng, có sức khỏe tốt chúng ta sẽ có một tinh thần tốt, vì vậy cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm bổ dưỡng như: thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, hoa quả tươi… tuyệt đối không ăn uống các thức ăn lạ, không rõ nguồn gốc, mất an toàn vệ sinh gây nên một số bệnh đáng tiếc như: đau bụng, tiêu chảy, sốt… tốt nhất là phải ăn chín uống sôi.

Trước ngày thi chúng ta không được thức khuya hoặc dậy quá sớm, nên ngủ sâu đủ giấc, áp lực thi có thể làm bạn bị stress, kiệt sức, xuống tinh thần, vì vậy xem phim, nghe nhạc, đi bộ, trò chuyện với bạn bè, người thân, thư giãn… là liệu pháp giúp chúng ta lấy lại sự cân bằng cần thiết, hãy dành thời gian tập thể dục, đi bộ, xem phim, xem ca nhạc, gặp gỡ bạn bè để trò chuyện…  


ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn kỹ năng, tâm lý mùa thi cho học sinh

Rà soát lại kiến thức trước khi thi

Khi có kiến thức vững, chúng ta sẽ bước vào phòng thi tràn đầy sự tự tin, tuy nhiên, cận ngày thi sẽ không còn nhiều thời gian để học kỹ từng môn, và càng không có nhiều thời gian để học thuộc tất cả các môn nữa, vì vậy, dù trước đó đã học ôn thì trước ngày thi chúng ta cũng nên rà soát lại kiến thức vài lần nữa theo dạng dàn ý, sơ đồ tư duy, xem lại các khái niệm, định nghĩa, quy luật, nội dung dễ rà soát trước, nội dung khó rà soát sau, điều này sẽ cổ vũ tinh thần, tăng cảm hứng và kích thích thái độ tích cực.

Rà soát kiến thức tới đâu nên ghi chú cẩn thận đến đấy, việc ghi chú những thông tin quan trọng, bổ sung ghi chú mới và ghi những từ khóa rất hữu ích cho trí nhớ trước khi thi. Đặc biệt, nên trao đổi thảo luận nhóm thêm, dùng phương pháp “tiếp thu phản chiếu”, có thể tự đứng trước gương để trình bày các nội dung kiến thức cần rà soát với tinh thần thoải mái, vui vẻ nhất có thể.

Chuẩn bị chu đáo giấy tờ, vật dụng

Chuẩn bị các giấy tờ quan trọng như phiếu dự thi, CCCD/CMND, các vật dụng cần thiết phục vụ cho các môn thi trong ngày, chuẩn bị ít nhất 2-3 cây viết cùng màu (nên là màu xanh), đầy mực. Dùng bút bi, tránh dùng bút máy, bút nước (dễ lem). Chuẩn bị thước kẻ, ê-ke, compa, viết chì, gôm, bịch khăn giấy nhỏ… Các vật dụng, giấy tờ này nên bỏ vào túi đựng dụng cụ mang đi thi, không nên để mỗi thứ một nơi dẫn tới quên sót.  Không dùng và không mang theo bút xóa, không dùng mực màu sáng hoặc có kim tuyến lấp lánh. Máy tính phải thay pin mới, không nên mượn máy tính lạ, chưa quen sử dụng, nên phải kiểm tra lại máy tính trước khi đi thi

Cần chuẩn bị dù cầm tay và áo đi mưa đem theo bên mình để phòng nắng mưa, nên đem theo chai nước suối đã bóc bỏ nhãn, một ít kẹo loại ngon để nạp lại năng lượng và lấy lại cảm xúc tinh thần trong khi thi.


ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn kỹ năng, tâm lý mùa thi cho học sinh

Luôn tự tin vào bản thân

Hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình, tin là mình sẽ làm được, không nên đặt nặng tâm trạng đậu rớt, mà hãy luôn tâm niệm rằng mình luôn cố gắng hết mình, chúng ta sẽ cảm thấy thư thái khi thi.  

Trường hợp mỗi khi đến phòng thi là bước vào trạng thái căng thẳng, hồi hộp, áp lực, đổ nhiều mồ hôi, chân tay run… chúng ta có thể hít thật sâu bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng, uống vài ngụm nước lọc hoặc ngậm viên kẹo, đặc biệt nên tới phòng thi sớm (trước giờ gọi thí sinh vào phòng thi ít nhất 30 phút), có thể trò chuyện thân thiện với thầy/cô giám thị và các bạn cùng phòng thi, điều đó giúp chúng ta bớt áp lực và căng thẳng. Đừng “ác cảm” với thầy/cô giám thị  mà hãy luôn nghĩ rằng thầy/cô giám thị là những người đang làm nhiệm vụ đảm bảo sự công bằng trong cuộc thi.

Chọn bộ trang phục đẹp, thoải mái và phù hợp nhất để mặc trong ngày đi thi  điều đó sẽ giúp chúng ta có “thần thái” tự tin khi xuất hiện trước mọi người.

Bình tĩnh giải quyết các vấn đề

Tuân thủ đúng quy chế thi, các vấn đề phát sinh hoặc yêu cầu cá nhân của chúng ta trong khi thi cần trao đổi thông tin với giám thị phòng thi công khai, rõ ràng. Khi nhận giấy thi và giấy nháp hãy kiểm tra tất cả các trang xem có gì “bất thường” không, nếu có “bất thường” liên hệ ngay với thầy/cô giám thị để đổi giấy thi và giấy nháp. Hãy cẩn trọng viết các thông tin chính xác vào giấy thi và giấy nháp, những gì chưa rõ có thể trao đổi ngay với thầy/cô giám thị để được hướng dẫn kỹ hơn. Khi nhận đề thi, cần kiểm tra các trang của đề thi đã đầy đủ rõ ràng chưa, dành thời gian để đọc thật kỹ đề thi một lần, linh động tiến lùi và nhớ rằng câu dễ làm trước, câu khó làm sau, câu không biết gì vẫn phải làm với tinh thần “thà tô nhầm còn hơn bỏ sót” vì có làm mới có cơ hội có điểm, hãy sử dụng giấy nháp một cách hiệu quả nhất.


ThS. Phạm Doãn Nguyên tư vấn kỹ năng, tâm lý mùa thi cho học sinh

Đừng để bản thân bị “ám thị” phòng thi

Không để bị chi phối, phân tâm vì những tình huống, diễn biến bên ngoài bản thân, tập trung cao độ để làm bài đến giây phút cuối cùng, nếu làm xong bài thi sớm nên đọc và kiểm tra kỹ lại bài thi thêm vài lần nữa, những câu còn phân vân có thể làm lại vào giấy nháp để chắc chắn hơn điều này có lợi cho chúng ta, vì khi đã nộp bài ra khỏi phòng thi coi như không còn cơ hội để “sửa sai” trong bài thi nữa. Sau khi kết thúc mỗi môn thi nên quên hết tất cả những gì liên quan đến môn thi đó mà hãy tập trung vào môn thi tiếp theo, nếu chẳng may môn thi trước đó làm bài không tốt thì không có gì phải buồn hãy cố gắng tập trung cao độ cho các môn thi tiếp theo chắc chắn sẽ có kỳ tích.

ThS. Phạm Doãn Nguyên
(Chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm)

Bình luận (0)