Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm sao tự học tiếng Anh tốt?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cũng như đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu công việc, nhiều bạn trẻ đã tập trung vào việc tự học. Tuy nhiên, do yếu kiến thức căn bản, học không đúng cách, thiếu mục tiêu… nên kết quả chẳng đi đến đâu mặc dù thời gian đầu tư không ít.

Luẩn quẩn tự học

Một trong những quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên không chuyên từ khóa 2013 trở đi của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM là người học phải có chứng chỉ TOEIC với 316 điểm kỹ năng nghe – đọc và 181 điểm kỹ năng nói – viết (do Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ cấp). Trước quy định này, Phạm Thị Dung, sinh viên chuyên ngành vật lý chất rắn, đã tập trung tự nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh tại nhà, sau giờ học trên lớp.

Trong 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, Dung chú trọng 2 kỹ năng nghe – nói vì đây là điểm yếu của bạn. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm cố gắng, khả năng nghe của Dung cũng chỉ dừng lại ở những mẩu chuyện đơn giản. Còn giao tiếp mới chỉ đạt được ở mức cơ bản như giới thiệu bản thân, công việc, bạn bè, các chủ đề gần gũi trong cuộc sống hàng ngày.

Theo Dung, chương trình dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông không chú trọng kỹ năng nghe – nói. Lên ĐH, nhà trường tiếp tục duy trì lối dạy truyền thống, chỉ tập trung vào đọc và ngữ pháp. Kết quả người học mất cơ hội phát triển năng lực nghe – nói từ sớm. Chưa kể, lối dạy truyền thống cũng là một phần khiến người học không chú ý đến kỹ năng phát âm nên thường hay phát âm sai. Về lâu dài rất khó sửa chữa vì lỗi sai đã trở thành thói quen.

Thiếu kiên trì là một phần làm giảm hiệu quả khi học tiếng Anh (ảnh minh họa)

“Hạn chế lớn nhất của tôi là khả năng nhận biết âm kém, phát âm thiếu chuẩn. Mặc dù hiện nay tôi đã cố gắng tự học, học lại từ đầu, từ cách đánh vần, phát âm thế nhưng quá trình khắc phục hết sức vất vả”, Dung cho biết.

Trong khi đó, Lê Thị Hà, nhân viên Tổ pháp chế của Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, mất 2 năm vật lộn tự học tiếng Anh để có thể giao tiếp và thi lấy chứng chỉ TOEFL 650, làm điều kiện tìm kiếm cơ hội việc làm tại công ty luật nước ngoài. Tuy nhiên, môi trường giao tiếp hạn hẹp, phương pháp không đúng, thiếu kiên trì nên mục tiêu của Hà chẳng đi đến đâu.

“Muốn đạt mục tiêu chẳng dễ chút nào. Thời gian rảnh ít, công việc công ty nhiều, đôi lúc mệt mỏi khiến tôi đã bỏ lửng việc học. Chưa kể, học một mình, không có đối tượng giao tiếp, rèn phản xạ nên rất khó để đạt được sự hứng thú trong học tập”, Hà nói.

Qua thông tin Hà chia sẻ còn cho thấy, bản thân yếu kiến thức căn bản nhưng Hà không tập trung củng cố mà quá chú trọng vào giải các đề thi TOEFL để lấy kỹ năng, kinh nghiệm. Trong khi đó yêu cầu của đề thi TOEFL rất rộng. Không chỉ xoay quanh kiến thức căn bản mà còn đòi hỏi cả kiến thức học thuật, xã hội…

Cần có phương pháp lẫn sự kiên trì

Có thể thấy có nhiều lý do khác nhau đã khiến cho mục tiêu tự học tiếng Anh của nhiều bạn trẻ giậm chân tại chỗ, thời gian học bỏ ra từ 1-2 năm, thậm chí 3-4 năm. Hiện nay, vấn đề này đang là thực trạng chung.

Theo cô Nguyễn Thảo Anh, giảng viên IELTS/TOEFL/English Junior tại Trung tâm Ngoại ngữ Thông Minh (YOLA), chính phương pháp học không đúng khiến người học tốn thời gian, hiệu quả kém. Đơn cử những trường hợp chưa vững kiến thức nền tảng sẽ luôn gặp khó khăn trong việc chọn lọc kiến thức. Theo đó, nếu không dành thời gian ôn luyện, kiến thức lại trở nên dần mai một. Và thiếu nền tảng nhưng lại mải mê làm các đề thi, đề luyện sẽ dẫn đến điểm thấp. Kết quả người học nản chí, mệt mỏi. Hoặc một người năng động, tiếp thu nhanh về hình ảnh, âm thanh thì nên học qua âm nhạc, phim ảnh, thế nhưng lại ngồi lì trong phòng học, hoàn toàn trái ngược với sở thích, sở trường.

Mặt khác còn phải kể đến, khi lỗi sai không được chú trọng kiểm tra, đánh giá, sửa chữa triệt để sẽ dẫn đến khó sửa chữa về sau vì khi đó lỗi sai đã trở thành hệ thống. Hoặc học, tham khảo những tài liệu có thông tin thiếu tính chính xác, chậm cập nhật làm cho người học có những ấn tượng sai. Ví dụ học luyện thi IELTS, TOEFL, SAT…, người học có thể nhận thông tin sai lệch về các dạng câu hỏi và kỹ năng cần thiết, có thể hiểu sai vấn đề.

“Học tiếng Anh phải xuất phát từ thực tiễn, luôn có thực hành. Học là cả một quá trình dài hơi, đòi hỏi người học cần thường xuyên rèn luyện, tích lũy hàng ngày. Đặc biệt, người học cần hiểu tại sao mình học tiếng Anh? Mục tiêu cuối cùng là làm gì?… là hết sức quan trọng. Nếu không có những trọng tâm cốt lõi này thì ôn luyện thiếu tập trung là khó tránh khỏi, dẫn đến dàn trải, lãng phí thời gian”, cô Thảo Anh cho biết.

Ngoài ra, cô Thảo Anh còn nhấn mạnh, người học cần có tính kỷ luật, không giấu dốt. Bởi kỷ luật, không giấu dốt sẽ hình thành những thói quen tốt như luôn tìm tòi, học hỏi trong việc học tiếng Anh. Ngược lại, người học sẽ tự đánh mất cơ hội học hỏi thêm nhiều điều mới. Cũng nên lưu ý tìm tài liệu chính thống của các nhà xuất bản nổi tiếng. Phương tiện này góp phần rất lớn vào thành công của việc học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

“Học tiếng Anh phải xuất phát từ thực tiễn, luôn có thực hành. Học là cả một quá trình dài hơi, đòi hỏi người học cần thường xuyên rèn luyện, tích lũy hàng ngày…”, cô Nguyễn Thảo Anh, giảng viên IELTS/TOEFL/English Junior tại YOLA, nói.

 

Bình luận (0)