Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chuyện con mèo dạy hải âu bay nóng sân khấu thiếu nhi 2023

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện con mèo dạy hải âu bay, tác phẩm nổi tiếng từ Chile, đã được mua bản quyền để dựng thành vở cho sân khấu thiếu nhi Việt.

NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đã vươn tay rất xa cho một sản phẩm sân khấu thiếu nhi mùa 2023. "Năm nay, chúng tôi dựng một vở có cốt truyện rất tốt là Chuyện con mèo dạy hải âu bay. Tôi đã mua bản quyền từ Chile để được dựng tác phẩm này. Giá mua không cao vì chúng tôi mua được tận gốc", NSƯT Sĩ Tiến nói. Cuốn sách đã được Công ty Nhã Nam dịch sang tiếng Việt và xuất bản, hiện là một trong những cuốn sách được thiếu nhi yêu chuộng.

Chuyện con mèo dạy hải âu bay là tác phẩm của nhà văn Chile nổi tiếng Luis Sepúlveda. Câu chuyện là hành trình dài thực hiện 3 lời hứa của chú mèo mập Zorba: "không ăn quả trứng", "chăm lo quả trứng đến khi chú chim non chào đời" và điều cuối cùng là "dạy nó bay". Trong hành trình đó, chú mèo mập Zorba đã trao đi rất nhiều thương yêu và cũng thực hành liên tục một điều thật khó. Đó là làm sao để chấp nhận và yêu thương ai đó bẩm sinh đã khác mình, làm sao để chấp nhận khác biệt đó, làm sao để không có ý định biến người đó trở nên giống mình. "Tôi nghĩ các phụ huynh yêu văn chương sẽ quan tâm đến vở diễn. Các em cũng sẽ muốn xem", ông Tiến nói.

Chuyện con mèo dạy hải âu bay nóng sân khấu thiếu nhi 2023 - Ảnh 1.

Cảnh trong vở Ông lão đánh cá và con cá mập. Ảnh: BTC cung cấp

Ông Tiến cũng cho biết nhà hát của ông đang dựng một vở nữa là Giấc mơ của Bờm. "Chúng tôi dựng vở cho cả đoàn kịch và ca nhạc. Vở Chuyện con mèo dạy hải âu bay cho đoàn kịch. Vở Giấc mơ của Bờm với âm nhạc có nhiều yếu tố dân gian, cho đoàn ca nhạc. Trong vở có tích hợp trò chơi dân gian. Câu chuyện phú ông – Bờm cũng gần với đương đại nhiều hơn", ông Tiến nói.

Trong khi đó, Nhà hát Kịch VN năm nay lại không dựng vở mới cho thiếu nhi do có dự án kịch kinh điển. Từ năm trước, nhà hát cũng đã không dựng vở riêng cho thiếu nhi mà liên kết sản xuất. NSƯT Xuân Bắc và bạn diễn thân thiết Tự Long là 2 hạt nhân chính cho sân khấu thiếu nhi xã hội hóa tại Hà Nội.

Về sân khấu dành cho thiếu nhi, nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập do Rose Media sản xuất sẽ quay lại diễn vào tháng 5. Bà Hồng Nhung, Giám đốc Rose Media (đơn vị sản xuất), cho biết năm nay số diễn viên nhí tham gia vở tăng lên. Trong đó, đàn cá sẽ tăng từ 34 lên 47 "con". Nhân sự đàn cá năm nay thay đổi vì nhiều lý do, trong đó có việc nhiều em nhỏ muốn có cơ hội thử sức trên sân khấu. "Món quà mà nhà sản xuất dành cho các em nhỏ không chỉ là thưởng thức tác phẩm, mà còn tạo một sân chơi để nhiều em có cơ hội được thử sức trên sân khấu. Vai diễn dù nhỏ nhưng là kỷ niệm tuổi thơ hiếm có cho các em vào dịp 1.6", bà Nhung nói.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, cho biết năm nay liên đoàn có vở diễn Tấm Cám cho tết Thiếu nhi vào tháng 6 (từ 26.5 – 4.6). Như vậy, xiếc tiếp tục đi theo con đường làm các vở xiếc chứ không chỉ là các tiết mục bình thường. Với Tấm Cám, văn hóa Bắc bộ sẽ được giới thiệu nhiều hơn. Đặc biệt, các tiết mục xiếc khác nhau sẽ cùng lúc được khoe sắc trong những phần sôi động.

Chuyện con mèo dạy hải âu bay nóng sân khấu thiếu nhi 2023 - Ảnh 2.

Chuyện con mèo dạy hải âu bay trở thành cảm hứng của nhiều cuộc thi vẽ, thiết kế do Công ty Nhã Nam tổ chức. Ảnh: Nhã Nam cung cấp

Chuyện con mèo dạy hải âu bay nóng sân khấu thiếu nhi 2023 - Ảnh 3.

Cảnh trong vở Trại hoa vàng. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ

Chú trọng hiệu ứng thị giác

Ông Tiến cho biết: "Phục trang của 2 vở diễn mới đều đang được đặt may tại TP.HCM. Họa sĩ của nhà hát, anh Đặng Minh Tuấn, có thiết kế trang trí đẹp. Phần phục trang đẹp, đáng yêu. Vở Giấc mơ của Bờm cũng có yếu tố thị giác tốt để thu hút trẻ em".

Trong khi đó, Liên đoàn Xiếc VN từ lâu đã đầu tư phục trang với nhiều thiết kế giàu màu sắc, mang yếu tố văn hóa địa phương khi cần. Điều này giúp sân khấu xiếc trở nên sinh động, thu hút "thượng đế" của xiếc vốn ở trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng là chính. Các vở diễn của Liên đoàn Xiếc VN có bối cảnh rất linh hoạt. Khi là thế giới dưới nước, khi lại là không gian núi rừng thăm thẳm. Điều này giúp đơn vị dễ dàng thay đổi "thực đơn" phục vụ thiếu nhi.

Cũng trong câu chuyện thay đổi "thực đơn", bên cạnh 2 vở mới dựng, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn tiếp tục diễn Trại hoa vàng, một vở nhạc kịch cho tuổi thanh thiếu niên. "Trong một số năm gần đây, chúng tôi chú ý quy chuẩn sản phẩm. Khán giả càng ngày càng yêu cầu cao nên từ biên kịch đến sơ duyệt, tổng duyệt đều chặt chẽ. "Tuổi" của tác phẩm cũng phải được nâng lên để vở diễn có thể được biểu diễn nhiều lần", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, xu hướng chung là các đoàn, các nhà hát đều hướng tới việc có nhiều format để có thể đi diễn nhiều nơi thuận lợi. "Chúng tôi có những "cấu hình" nhỏ gọn hơn để mang tới các trường. Còn ở quy chuẩn rạp hát, chúng tôi vẫn đáp ứng yêu cầu cao, phong cách riêng của Nhà hát Tuổi trẻ, hài hòa, trẻ trung, gợi âm hưởng người trẻ", ông Tiến chia sẻ thêm. 

Theo Trinh Nguyễn/TNO

Bình luận (0)