Hội nhậpThế giới 24h

Giấc mơ xanh của Ấn Độ đối mặt nhiều thách thức

Tạp Chí Giáo Dục

Giấc mơ xanh của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa nước này đi đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu đang đối mặt nhiều thách thức.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Ấn Độ ngày 25.2.2023. Hai bên đã ký hai thỏa thuận hợp tác về công nghệ hydro xanh và năng lượng sạch.
Rắc rối từ cáo buộc với Tập đoàn Adani
Chỉ mất chưa đầy hai tuần để tập đoàn đa quốc gia TotalEnergies của Pháp tạm dừng một dự án hydro xanh khổng lồ với Tập đoàn Adani sau khi tập đoàn Ấn Độ bị rung chuyển bởi các cáo buộc gian lận, Bloomberg đưa tin.
Trong dự án mà TotalEnergies tham gia, doanh nghiệp năng lượng sạch của tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani sẽ đầu tư 50 tỉ USD trong thập kỷ tới vào nhiên liệu không phát thải. Tuy nhiên, dự án đang trong tình trạng lấp lửng sau khi công ty bán khống Mỹ Hindenburg Research cáo buộc Tập đoàn Adani tham gia vào hoạt động thao túng cổ phiếu, lạm dụng các thiên đường thuế ở nước ngoài và đang gánh khối nợ khổng lồ.
Bê bối dường như không chỉ giới hạn ở đế chế Adani. Sự ồn ào về các hoạt động kinh doanh của tập đoàn – vốn đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất Ấn Độ vào năng lượng tái tạo – có nghĩa là rất có thể sẽ có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các tập đoàn Ấn Độ.
Các khoản đầu tư chuyển đổi năng lượng ở Ấn Độ đã tụt hậu so với các quốc gia lớn khác và hiện chi phí vốn đang tăng lên khi lãi suất toàn cầu tăng lên, trong khi Đạo luật Giảm lạm phát đang tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư năng lượng sạch ở Mỹ và các đối tác thương mại tự do của nước này.
Tất cả những điều đó gây rắc rối cho mục tiêu của Thủ tướng Narendra Modi là đưa Ấn Độ đi đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu.
Ông Shashank Krishna – đối tác tại công ty luật Baker Botts có trụ sở tại London, người tư vấn cho khách hàng về các giao dịch năng lượng và cơ sở hạ tầng – cho biết: “Thị trường đang thực thi kỷ luật đối với các công ty, bao gồm cả Tập đoàn Adani, để giảm nợ. Một số dự án khó khả thi về mặt kinh tế sẽ phải tạm dừng hoặc giảm quy mô”.
Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani.
Mục tiêu khó đạt được
Những cơn gió ngược ngày càng nhiều đang khiến mục tiêu tăng gấp ba lần công suất điện sạch vào cuối thập kỷ này của Ấn Độ trở nên khó đạt được hơn. New Delhi muốn tăng 169 gigawatt (GW) điện sạch hiện tại lên 500 GW vào năm 2030 – một cột mốc quan trọng trên đường tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.
Nếu không đạt được mục tiêu này, nhà phát thải lớn thứ ba thế giới sẽ buộc phải tiếp tục phụ thuộc vào than đá lâu hơn. Đó là tin xấu đối với một hành tinh đang nóng lên nhanh chóng, cũng như đối với nền kinh tế Ấn Độ đang hy vọng thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia đang chịu áp lực khử carbon trong chuỗi cung ứng của họ.
Mặc dù Ấn Độ đã lắp đặt 15 GW công suất điện mặt trời và điện gió nối lưới vào năm 2022, cao hơn 44% so với năm 2021, nhưng nước này vẫn còn thiếu rất nhiều so với những gì cần thiết để đạt được mục tiêu năm 2030.
Đầu tư vào việc triển khai công nghệ năng lượng tái tạo đã tăng khoảng 4% lên 11,5 tỉ USD ở Ấn Độ vào năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn mức cao nhất gần đây là 12,7 tỉ USD vào năm 2017 – theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Con số này cũng là một phần nhỏ so với 274 tỉ USD ở Trung Quốc và 49,5 tỉ USD ở Mỹ.
Bà Anita George – đồng sáng lập của Edhina Capital, công ty cổ phần tư nhân Ấn Độ đang tìm cách đầu tư vào năng lượng sạch – cho biết các ưu đãi tài chính như Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ có khả năng tìm đường đến Ấn Độ. Điều đó đã gây cản trở cho tất cả các thị trường mới nổi, không chỉ Ấn Độ.
Môi trường chính sách không ổn định của Ấn Độ – với thuế nhập khẩu, lệnh của tòa án và nghi ngờ về việc liệu các công ty điện của nhà nước có tôn trọng các cam kết mua điện hay không – cũng đang khiến các nhà đầu tư quốc tế tạm dừng. Các dự án của Ấn Độ cần mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với các điểm đến ít rủi ro hơn để bù đắp cho sự không chắc chắn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Ấn Độ cần đầu tư 160 tỉ USD hàng năm cho lĩnh vực năng lượng cho đến cuối năm 2030, gần gấp ba lần mức hiện tại.
Với ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào một số tỉ phú địa phương và các rào cản đối với các nhà đầu tư quốc tế, khó có thể thu hút được số tiền như trên mà không có nỗ lực tích cực từ New Delhi để cải thiện chính sách.
Ông Krishna cho biết, nếu không hành động, các nhà đầu tư sẽ không chờ đợi nữa. Họ có những lựa chọn khác.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)