Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết hoạt động này là một phần của chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015” và “Tự hào hàng Việt” được thực hiện tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt, góp phần thực hiện mục tiêu trên 70% sản phẩm Việt Nam có mặt, trụ vững tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Tháp, An Giang và một số doanh nghiệp (DN) cho biết thời gian qua, các chương trình kết nối cung – cầu, thúc đẩy tiêu thụ đã góp phần đưa sản phẩm công nghiệp địa phương thâm nhập kênh phân phối hiện đại, giúp DN phát triển rõ nét. Tuy nhiên, do đặc thù là các cơ sở làng nghề, HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, ít vốn nên phần lớn sản phẩm làm ra khó vào kênh siêu thị do chất lượng chưa đồng bộ, năng lực sản xuất – thu mua chưa đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối; vì thế hiệu quả kết nối cung – cầu hàng hóa còn thấp, một số hợp đồng ghi nhớ giữa siêu thị và cơ sở sản xuất, HTX không thực hiện được…
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối DN cụ thể hơn, giúp DN địa phương tiếp cận từng phân khúc thị trường như siêu thị, các KCX-KCN… Song song đó là những giải pháp hỗ trợ DN địa phương nâng cao trình độ, đầu tư công nghệ để tăng năng lực sản xuất – cung ứng, đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối và thị trường.
Tại hội nghị, 45 hợp đồng đã được ký kết giữa các cơ sở sản xuất địa phương với các nhà phân phối lớn như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), hệ thống siêu thị Big C, Lotte Mart, Aeon…
Bình luận (0)