Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cẩn trọng khi hỗ trợ

Tạp Chí Giáo Dục

Với tâm lý để ai cũng có một cái tết trọn vẹn, nhiều người sẵn sàng đóng góp vào các quỹ thiện nguyện, hay mua quà ủng hộ. Một số người trẻ tự giới thiệu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong TPHCM, bán quà gây quỹ giúp những hoàn cảnh khó khăn nhưng giá “trên trời”, chất lượng “trên mây”.
Dạo chơi cùng nhóm bạn vào tối cuối tuần tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Trần Thanh Nhi (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bỏ 50.000 đồng để mua chai nước rửa tay khô 15ml khi nghe giới thiệu mua hàng ủng hộ sinh viên về quê đón tết. Nhi kể: “Tôi và nhóm bạn đi dạo thì có 1 bạn tới chào, giới thiệu là sinh viên năm 2 và bán hàng gây quỹ mua vé xe tết cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà. Cả nhóm xem qua thì mua ủng hộ 3 chai nước rửa tay khô, nhưng chai của tôi vừa mở ra xịt thử thì mùi quá nồng, mới xịt 1 lần nhưng vòi xịt cũng gãy luôn. Nhóm bạn của tôi lên mạng tra thử, thì giá chai nước rửa tay này chỉ vỏn vẹn hơn 10.000 đồng”.
Câu chuyện tương tự Nhi, trong lúc chờ taxi phía trước Trung tâm thương mại L.M. (đường Nguyễn Thị Thập, quận 7), Huỳnh Thị Thu Trang (27 tuổi, giáo viên piano, ngụ quận 8) được 2 bạn nam mời mua móc khóa gây quỹ mua quà tết tặng sinh viên khó khăn. “Hai bạn nam đó chỉ giới thiệu là sinh viên, nhưng không nói là đang học năm mấy, tôi có hỏi là trường đại học nào thì cũng không trả lời, cũng không có thẻ sinh viên. Hai bạn liên tục giới thiệu móc khóa với giá 50.000 đồng, toàn bộ số tiền bán được sẽ mua quà tết hoặc vé tàu tết cho sinh viên có hoàn cảnh… Nhưng khi bảo vệ trung tâm thương mại bước tới, hai bạn này xách túi móc khóa bỏ chạy”.
Anh Đinh Văn T. (bảo vệ Trung tâm thương mại L.M.) cho biết: “Mấy ngày cuối năm này, bảo vệ phải đi lại liên tục vì khách ra vào trung tâm thương mại nhiều, nhiều người cũng trà trộn bán hàng. Có phải sinh viên hay không thì không rõ, nhưng hỏi học trường nào thì không nói, thấy bảo vệ là bỏ chạy. Quan trọng là khách mua hàng đều không xài được, móc khóa, xịt thơm miệng, hay nước rửa tay món nào cũng bán giá 50.000 đồng trở lên, nhưng nhãn mác không rõ”.
Tại các trung tâm thương mại, khu vực vui chơi công cộng trong thành phố, không khó để bắt gặp những bạn trẻ tự xưng sinh viên bán hàng gây quỹ từ thiện. Chuyện này đã xuất hiện từ lâu, nhưng những ngày cuối năm, người ta càng đánh vào lòng nhân ái, liệu tinh thần cho đi có đến được đúng chỗ không, vẫn là câu hỏi đầy trăn trở.
THANH DƯƠNG (theo SGGP)

Bình luận (0)