Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tâm thế khi thực hiện một bài văn

Tạp Chí Giáo Dục

Từ thực tế giảng dạy của cá nhân, chúng tôi nhận thấy, dường như học sinh ít chú ý đến câu hỏi “Viết cho ai đọc?” khi làm bài văn. Thông thường, cứ đọc đề xong thì các em viết theo quán tính, viết theo gợi ý định hướng của văn mẫu, viết để bài có điểm… Mong rằng sau khi đọc bài viết này, các em học sinh sẽ lưu ý đến vấn đề tâm thế của người viết khi thực hiện một bài văn trong nhà trường, để việc học môn văn trở thành một hoạt động thú vị hơn.

Khi viết, dù muốn dù không, chúng ta luôn đứng trước sự lựa chọn, hoặc viết ra một văn bản mang tính cá nhân cho chính bản thân tự đọc, hoặc viết ra một văn bản mang tính cộng đồng cho người khác cùng thưởng thức. Nếu là viết cho chính mình, sự viết lúc này là một hành động giải phóng không chỉ năng lượng viết mà còn là giải phóng những cảm xúc cá nhân. Viết không cần bận tâm đến hình thức hay nội dung. Viết đơn giản là sự chuyển hóa từ những suy nghĩ vô hình khó nắm bắt trong tâm trí thành những con chữ hữu hình trước mặt. Cũng có thể cầu kỳ hơn, cố gắng chăm sóc từng chữ, từng câu, từng đoạn, nếu chúng ta đòi hỏi cao, dẫu chỉ là riêng mình đối diện cùng văn bản. Không hẳn là nhật ký, nhưng những văn bản này thường có màu sắc tự sự, và chủ đề thì phong phú như chính sự đa dạng của cuộc sống. Mạch văn có thể logic nhưng cũng có thể là dòng ý thức xoay chuyển không ngừng. Viết cho riêng mình cũng giúp chúng ta giải tỏa những căng thẳng, muộn phiền trong cuộc sống. Đó là một trải nghiệm độc thoại nội tâm, chia sẻ với chính mình, rất ý nghĩa và hữu ích cho sức khỏe tâm hồn. Trường hợp thứ hai là viết cho những độc giả khác, ngoài bản thân người viết. Nhưng đến đây, sau khi trả lời câu hỏi “Viết cho ai?”, chúng ta lại tiếp tục đứng trước những sự lựa chọn mới. Chúng ta viết cho người khác đọc nhưng với lối viết mà mình mong muốn, hay chiều lòng theo giọng văn mà người đọc kỳ vọng? Chúng ta sẽ viết theo kiểu người viết dắt tay người đọc, cùng nhau thưởng thức văn bản, hay viết theo hình thức độc giả, tự mình tự do khám phá những vỉa tầng thông điệp của văn bản, tự mình lấp đầy những khoảng trống ý nghĩa nội dung? Chúng ta sẽ viết về những vấn đề bản thân quan tâm hay viết về những câu chuyện mà người đọc khác đang chờ đợi?

Kết quả của những sự lựa chọn này sẽ giúp chúng ta định hình văn phong khi viết, đồng thời xác định được “phân khúc thị trường” mà bài viết hướng đến. Thật vậy, khi bắt tay thực hiện một bài viết cho người khác đọc, chúng ta hẳn phải giới hạn nhóm người đọc. Khi đã xác định được đối tượng độc giả của bài viết là ai, chúng ta sẽ lựa chọn nội dung viết, phương pháp viết, cách diễn đạt và ngôn từ phù hợp với độc giả. Hãy chắc rằng chúng ta đã tạo lập một văn phong, một giọng văn có hiệu quả nhất để tiếp cận người đọc. Chẳng hạn, nếu bài viết hướng đến người đọc là các bạn trẻ, chúng ta không thể dùng lối viết quá khuôn mẫu, quá già dặn. Ngược lại, một bài viết dành cho độc giả trung niên, nếu chúng ta lạm dùng các câu chữ mang tính phá cách, cá tính, hiện đại thì sẽ không thể nào giữ chân được người đọc. Nếu biết cách dự phóng người đọc tiềm năng, bài viết sẽ có nhiều khả năng để thành công trong việc tiếp nhận.

Trn Xuân Tiến
(Trưng ĐH Văn Hiến)

 

Bình luận (0)