Đối với người dân TP.HCM, Chợ Lớn vô cùng quen thuộc nhưng với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài sẽ rất tò mò những đặc trưng nơi đây. “Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn” là tour du lịch được quận 6 phối hợp cùng Công ty Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt phát triển sẽ đưa du khách khám phá nhiều nét độc đáo ở địa danh này.
Bà Phan Thị Thắng (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) (áo đỏ) cùng đoàn trải nghiệm tour “Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn”
Ẩm thực độc, lạ
“Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn” nằm trong chiến lược phát triển “Mỗi quận, huyện phát triển một sản phẩm du lịch đặc trưng” của UBND TP.HCM. Khác với tour “Có một Chợ Lớn rất khác” của quận 11, “Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn” ngoài việc khám phá những địa điểm lịch sử, di tích lâu đời, du khách còn được thưởng thức ẩm thực. Trong đó, ẩm thực của người Hoa chắc chắn sẽ để lại ấn tượng khó quên mà ai đến Sài Gòn – TP.HCM cũng phải tranh thủ thưởng thức một lần.
Hủ tiếu người Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn – TP.HCM cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Họ gọi là cổ chéo (hủ tiếu), nghĩa gốc là bánh sợi. Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: Hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Ngày nay, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: Gân giòn, chân giò, tim, gan, cật, ruột non, tôm, mực… Càng ngày, hủ tiếu càng khiến nhiều thực khách ngây ngất.
Trong ẩm thực của người Hoa còn có món ăn mang tên lạ lùng đó là “Phật nhảy tường” mà khi trải nghiệm tour “Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn” du khách sẽ được thưởng thức. Quy trình chuẩn bị món “Phật nhảy tường” rất khó khăn và tốn thời gian. Món này có tới 18 nguyên liệu chính, chủ yếu là sơn hào hải vị như: Hải sâm, vây cá mập, bào ngư, nhân sâm, gân hươu, sò điệp, nấm… Mỗi loại đều được hấp riêng trong một hũ sau đó cho chung vào một thố bằng đất sét nhỏ miệng, thêm rượu Thiệu Hưng để dậy mùi thơm. Ngoài ra, đầu bếp còn phải cho thêm tới 30 thành phần và 12 gia vị khác, thiếu một nguyên liệu cũng có thể khiến món ăn kém hấp dẫn. Sau đó, đầu bếp đậy kín thố đất cẩn thận bằng lá sen, hầm trên lửa nhỏ từ 5-6 tiếng. Trong quá trình hầm phải hạn chế để mùi thơm thoát ra. Do chế biến cầu kỳ và nguyên liệu quý hiếm, món “Phật nhảy tường” thường có giá cao ngất ngưởng.
Ngoài độ ngon khó cưỡng, món ăn độc đáo này còn rất bổ dưỡng. Nhiều tài liệu cho thấy, món “Phật nhảy tường” có tác dụng tăng trí nhớ, tăng thể lực, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, chống viêm…
Làng nghề truyền thống giữa lòng phố thị
Một điểm khác biệt ở tour “Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn” đó là du khách sẽ được tham quan và trải nghiệm xóm chổi đót (đường Phạm Văn Chí, quận 6).
Giữa một phố thị ồn ào, tấp nập đang từng bước đô thị hóa vậy mà làng nghề làm chổi đót đã tồn tại hơn 40 năm qua. Những người làm nghề lâu năm nhất cũng không nhớ rõ nghề có từ khi nào, chỉ biết nghề bắt nguồn từ người dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi khi di cư vào miền Nam họ đem cả cái nghề ở quê mình vào TP.HCM lập nghiệp và phát triển thành làng chổi đót. Thông thường các nghề khác ít hoặc nhiều công đoạn được thay thế làm bằng máy, nhưng riêng nghề làm chổi đót tất cả các công đoạn phải làm bằng đôi tay của người thợ.
Làng nghề chổi đót quận 6
Chú Tô Lập Diệu (thợ làm chổi đót) cho hay, để làm ra một cây chổi đót hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn rất nhọc công và phải tỉ mỉ chăm chút từng thao tác: Tước lá, bó lá, quấn kẽm… “Công đoạn bó lá, quấn kẽm cần nhiều sức lực nhất nên thường là đàn ông phụ trách. Khâu quấn kẽm quyết định độ bền của cây chổi nên công đoạn này phải có sức khỏe mới làm được, thường thì cánh đàn ông với những người có sức khỏe dẻo dai và kinh nghiệm làm. Nếu cây chổi mau hư sẽ bị mất uy tín”, chú Diệu cho biết.
Bà Phan Thị Thắng (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cho hay, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng quận, huyện và TP.Thủ Đức trong giai đoạn hiện nay có tác động rất lớn đến việc khôi phục nền kinh tế của TP.HCM nói chung. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi ngành du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển ngành giáo dục văn hóa, xã hội… từ đó giúp tạo sự đồng bộ trong việc khôi phục nền kinh tế chung của TP.HCM sau mùa dịch bệnh. |
Nguyên liệu chính làm chổi là cây đót, trong đó, màu sắc bông đót đặc biệt quan trọng, vàng quá hoặc xanh quá cũng không được, phải đều màu thì mới cho ra một cây chổi vừa ý. Cây đót được thu mua vào đầu tháng giêng đến tháng hai âm lịch ở các tỉnh Tây Nguyên như: Kon Tum, Gia Lai vì mỗi năm chỉ nở một lần vào tháng này.
Cô Đỗ Lệ Phương (thợ làm chổi đót) cho biết, giá đót thường cao, có thời điểm 1kg đót có giá lên tới 50.000 đồng, một bó đót lớn được mua về để làm chổi có giá khoảng 500.000 đồng. Mỗi cây chổi bán ra có giá 20.000 đến 35.000 đồng/cây, trừ tất cả các chi phí, khoản thu về còn lại không được bao nhiêu. “Ngày trước cái nghề này được nhiều người ưa chuộng, nhưng giờ dần bị mai một do thu nhập không cao và không ổn định đầu ra sản phẩm lẫn đầu vào. Người thợ mặc dù muốn theo nghề vẫn khó mà trụ vững”, cô Phương chia sẻ.
Đầu thập niên 1990, sản phẩm chổi đót của làng nghề xuất khẩu sang Đài Loan, Singapore, Indonesia, Campuchia… nhưng giờ thị trường này teo tóp dần, khách hàng nước ngoài đã chuyển sang chọn hàng Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan… Bên cạnh đó, diện tích rừng giảm nên cây đót theo đó cũng khan hiếm dần đi và sản phẩm của làng chổi phải cạnh tranh với chổi của người dân miền Trung. Đồng thời, do việc tiêu thụ sản phẩm thủ công ngày càng khó khăn, trong khi chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao nên người dân luôn có xu hướng bỏ nghề truyền thống, chuyển sang các nghề khác. Hiện nay, dọc theo các con đường Phạm Văn Chí, các con hẻm xung quanh chợ Bình Tiên chỉ còn khoảng 30 hộ vẫn còn bám trụ được với nghề.
Theo bà Lê Thị Thanh Thảo (Chủ tịch UBND quận 6), quận đã rà soát tất cả tài nguyên du lịch đang có để nghiên cứu, xây dựng tour du lịch vừa mang tính đặc trưng của địa phương, vừa mới lạ và độc đáo. Sản phẩm du lịch mới có tên “Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn” sẽ giúp du khách khám phá các điểm tham quan, du lịch, văn hóa, lịch sử đặc trưng của quận như: Quán hủ tiếu mì Huỳnh Gia, chùa Thảo Đường Thiền Tự, chùa Giác Hải, chợ Bình Tây, tiệm bánh Triệu Minh Hiệp, quán ăn Gia Phú Phúc Kiến… Những điểm đến tập trung giới thiệu các công trình văn hóa mang tính lịch sử của quận để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về quá trình hình thành lâu đời của địa phương đồng thời gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Kiều Khánh
Bình luận (0)