Nhận thấy tiềm năng từ nông nghiệp công nghệ cao không chỉ cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường mà còn có thể mở lối du lịch xanh trải nghiệm, Diệp Thị Thảo Trang (SN 1992) đã quyết định rẽ ngang từ một viên chức Nhà nước, trở về quê ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để lập nghiệp…
Yêu thích nông nghiệp, Diệp Thị Thảo Trang rẽ lối, chọn nông nghiệp công nghệ cao để khởi nghiệp
Từng bước thực hiện ý tưởng
Câu chuyện bão lũ ở mảnh đất miền Trung, bao lần nhắc đến đều khiến ai từng biết đến nơi này đều bất chợt rùng mình. Ruộng đồng sau một trận lũ chỉ còn một màu bùn bàng bạc. Cây cối, rau màu dường như mất dạng chỉ sau vài ngày bị nước ngâm. Rau ra thị trường đắt đỏ và khan hiếm vào mùa mưa lũ là đương nhiên. Người nông dân miền Trung vì thế khổ càng thêm khổ. Lớn lên trên miền quê biền bãi Bình Dương (Thăng Bình), Diệp Thị Thảo Trang đã theo học và có vị trí việc làm ổn định trong một cơ quan Nhà nước ở TP.Đà Nẵng. “Công việc ổn, thu nhập bình thường nhưng mình vẫn trăn trở với quê. Mỗi lần về quê nhìn thấy những thửa đất rộng mênh mông nhưng không thể nào tận dụng tối đa công năng vì thời tiết quá khắc nghiệt, lên lại thành phố thì nhận ra nhu cầu tiêu dùng rau sạch ngày càng lớn. Thế là mình xâu chuỗi lại các ý nghĩ, quyết định nghỉ việc để về mở trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Trang chia sẻ.
Trang bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình từng bước thật chậm, từ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm đến cộng tác với các cộng sự có kinh nghiệm để triển khai mô hình. “Điều quan trọng nhất khi triển khai xây dựng mô hình là khắc chế được các hạn chế của thiên tai, thời tiết và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để việc phát triển được bền vững”, Trang nói. Tháng 10-2021, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình được thành lập do chính Trang làm Giám đốc và 6 cộng sự thành thạo công nghệ thông tin và giàu kinh nghiệm về trồng trọt… để sản xuất rau, củ, quả an toàn. Trang trại được mở trên diện tích 3.000m2, trong đó 400m2 trồng thủy canh, diện tích còn lại trồng rau hữu cơ và hoa. Trang nói, mô hình được áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, điều khiển tưới tiêu tự động giúp giảm thiểu được sức lao động bỏ ra.
“Khó khăn là điều không thể tránh trong bất kỳ lĩnh vực khởi nghiệp nào, điều đó càng đúng với khởi nghiệp từ nông nghiệp”, Trang nói. Nhưng có nhiều trăn trở với đồng quê, yêu thích nông nghiệp nên trong những khó khăn đó, Trang đều tìm cách vượt qua. Đồng hành cùng chị là anh Nguyễn Quốc Tuấn – người bạn đời sẵn sàng chia sẻ và cùng chị vượt qua những gian khó ngày đầu khởi nghiệp.
Trung bình, mỗi tháng HTX xuất ra thị trường khoảng 2 tấn rau, củ, quả các loại, định hình được thị trường đầu ra khá ổn định. Trong đó, thị trường TP.Đà Nẵng chiếm khoảng 90%, còn lại phân phối khu vực Quảng Nam. Nhờ “khắc chế” được hạn chế từ thời tiết khắc nghiệt nên lượng rau củ thu hoạch tương đối ổn định, thiệt hại từ bão lũ được hạn chế nhiều so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Điểm đến du lịch xanh, trải nghiệm
Trên hành trình du lịch xanh của nhiều du khách đến với Quảng Nam – địa phương triển khai chủ đề du lịch xanh năm 2022, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình là một điểm đến khá thú vị. Tuy vừa hình thành trong thời gian ngắn nhưng HTX đã đón khoảng hơn 3.000 lượt khách tham quan. Ngoài ra, nhiều trường học trên địa bàn đã phối hợp để tổ chức điểm đến trải nghiệm ngoại khóa cho hàng trăm em học sinh các bậc học mầm non, tiểu học, THCS… “Chính những bài học thực tế về các loài cây, rau, củ, quả… câu chuyện về quá trình gieo hạt, ươm mầm, chăm sóc cây trưởng thành sẽ cho các em kiến thức trực quan giúp các em học tập tốt hơn”, Trang nói.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, du lịch xanh là bước đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường và giữ gìn giá trị văn hóa – di sản và tài nguyên thiên nhiên. Mỗi người dân nên là một đại sứ chuyển tải thông điệp du lịch xanh và thực hiện tốt bộ tiêu chí du lịch xanh để chuyển tải đến khách du lịch. |
Để tạo lợi ích cho cộng đồng, hiện Trang đang lên kế hoạch liên kết với các hộ nông dân ở các thửa đất tiềm năng để phối hợp, chuyển giao kỹ thuật, đồng hành cùng bà con trong canh tác, sản xuất theo hướng VietGAP. Khi mô hình được mở rộng, việc thu hút khách du lịch sẽ hấp dẫn hơn. Trang cho biết: “Hiện nguồn cung rau củ quả của HTX chỉ mới đáp ứng được 30 đến 40% so với nhu cầu thực tế. Vì vậy cần mở rộng để tạo hướng đi vững mạnh, giúp bà con có sinh kế, phát triển kinh tế, giải quyết bài toán đất đai bỏ hoang và được mùa mất giá của người nông dân”.
Theo Trang, sắp tới, HTX sẽ xây dựng ứng dụng riêng để khách hàng khi mua sản phẩm chỉ cần quét mã QR code là biết được nguồn gốc giống ra, thời gian gieo trồng, thời gian đóng gói… Việc minh bạch trong quá trình sản xuất giúp người tiêu dùng biết rõ sản phẩm sạch để an tâm sử dụng. “Tôi mong muốn khi du khách đến HTX tham quan du lịch, mua sản phẩm sẽ yên tâm và thấy chuyến tham quan của mình thật thú vị và có ý nghĩa”, Trang bộc bạch.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)