Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gồng mình vượt lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Cơn lũ lớn bất ngờ quét qua địa bàn TP. Đà Nẵng đêm 14-10 đã nhấn chìm nhiều làng mạc, khu phố. Nhiều tài sản tích cóp cả đời của người dân bị ngập trong bùn nước hư hỏng, hàng ngàn em học sinh không có sách vở đến trường. Gượng dậy sau lũ, cả thành phố đã cùng chung tay để đưa nhịp sống bình thường trở lại sớm nhất!


Lực lượng thanh niên Đà Nẵng ra quân dọn dẹp môi trường

Hỗ trợ SGK cho học sinh

Trước tình trạng mưa lũ gây hư hỏng hàng ngàn cuốn SGK, vở, dụng cụ học tập của học sinh trên địa bàn, những ngày qua, cùng với ngành giáo dục, các mạnh thường quân đã kêu gọi sự chung tay để hỗ trợ sớm nhất số lượng sách vở cần thiết giúp các em học sinh trở lại trường. Nằm ở địa bàn vùng thấp trũng, hầu hết các trường học trên địa bàn quận Thanh Khê đều bị thiệt hại sau trận lũ. Nặng nhất là 2 trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, mực nước sâu 1m đã khiến toàn bộ thiết bị, đồ dùng dạy học tại các phòng chức năng, máy tính, hồ sơ sổ sách khối văn phòng đều bị ngâm trong nước hư hỏng.

Riêng Trường TH Huỳnh Ngọc Huệ có 296 bộ sách giáo khoa, vở của  học sinh 5 khối lớp tại tầng 1 bị ngâm nước. The lãnh đạo nhà trường, hiện trường động viên Ban đại diện CMHS cùng hỗ trợ để học sinh có đầy đủ sách vở tiếp tục học. Cùng với đó, các giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi bài giảng điện tử qua kênh zalo cho phụ huynh để học sinh có thể tham khảo thêm khi học bài ở nhà, trong lúc chưa có sách giáo khoa.


Đội sửa xe thiện nguyện đến từ Quảng Nam hỗ trợ sinh viên Đà Nẵng sửa xe miễn phí

Bà Hoàng Thị Chinh – Trưởng Phòng GD quận Thanh Khê cho biết, thống kê trên địa bàn có 1.096 em học sinh ở cả hai cấp tiểu học và THCS bị ướt sách vở. Đơn vị đã chỉ đạo các trường học chủ động phương án hỗ trợ học sinh bắt nhịp trở lại với việc học, đảm bảo chương trình. Ngoài ra, với những gia đình học sinh có điều kiện về thiết bị công nghệ, có thể tạm thời sử dụng sách giáo khoa điện tử tại trang web của các nhà xuất bản.

Tại huyện Hòa Vang, mực nước ngập sâu cũng khiến nhiều trường học bị hư hỏng thiết bị. Đơn cử như Trường Tiểu học số 1 Hòa Sơn bị hư hỏng 40 bộ máy tính, bàn ghế; Tiểu học số 2 Hòa Liên bị hư hỏng 40 bộ máy tính, bàn ghế và 9 máy tính giáo viên; Tiểu học Lâm Quang Thự hỏng 2 ti vi, Trường Tiểu học số 2 Hòa Nhơn, điểm trường Phước Hưng hỏng 1 ti vi… Thống kê của Phòng GD Hòa Vang cho biết, hiện các trường trên địa bàn cần 531 bộ sách giáo khoa và 458 sách tiếng Anh của các khối lớp 1-2-3.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: “Để đảm bảo cho việc dạy học sau lũ, Sở đã liên hệ với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị được hỗ trợ sách giáo khoa cho số học sinh bị trôi, ướt sách trong trận lũ vừa qua. Phía Nhà xuất bản đã đề nghị thống kê để có thể lên có kế hoạch hỗ trợ. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng đề nghị các trường chủ động huy động nguồn lực để có thể hỗ trợ kịp thời, khắc phục sớm nhất có thể”.

Đưa nhịp sống bình thường trở lại sớm nhất

Sau lũ, chính quyền TP.Đà Nẵng đã đồng loạt ra quân nhằm đưa nhịp sống bình thường trở lại sớm nhất. Thành đoàn Đà Nẵng đã điều động 1.500 đoàn viên, sinh viên ra quân dọn dẹp rác thải với phương châm “đâu cần thanh niên có”, hàng tấn rác thải, bùn đất đã được dọn sạch. Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng chia sẻ: “Trận lũ lớn kéo theo rất nhiều rác thải và bùn đất. Chỉ sau một đêm, trên khắp các tuyến đường phố, bãi biển ngổn ngang như một bãi chiến trường. Nếu không có lực lượng thanh niên tình nguyện, công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ của công nhân môi trường sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể nào làm xuể”.


Hàng ngàn bộ SGK của HS Đà Nẵng hư hỏng vì nước lũ

Cùng với thành phố, hàng chục sinh viên Trường ĐH Đông Á cũng đã ra quân tình nguyện sữa chữa xe máy, xe đạp miễn phí cho người dân vùng ngập lụt. Em Nguyễn Thanh Tài – sinh viên năm 3 chia sẻ: “Em cùng các bạn gần như làm việc liên tục từ sáng cho đến 9, 10 giờ đêm mới trở về nhà. Xe máy của bà con hầu hết bị nước và bùn ngâm nên rất khó để nỗ máy. Thợ sửa xe phải vệ sinh, tháo rời rồi lau khô bu-gi, kiểm tra mối nối bình điện, làm sạch các bộ phận mới có thể đề xe nổ trở lại. Công việc vất vả nhưng vui khi nhận từ bà con lời cảm ơn chân thành”.

Một hình ảnh xúc động nhất trong những ngày thành phố gặp khó khăn, đó là hình ảnh của đội thợ sửa xe đến từ huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam). Quệt vội giọt mồ hôi giữa ngổn ngang xe gắn máy chờ tới lượt sửa ở sân trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, anh Nguyễn Nho Hậu cho biết: “Trong khó khăn do thiên tai, bão lũ, Quảng Nam được sự chia sẽ tận tình từ Đà Nẵng. Vì vậy, trong trận lũ lần này, thấy nhiều sinh viên, người nghèo ở Đà Nẵng bị hư hỏng xe. Khoản tiền sửa xe có thể nhỏ, có thể lớn nhưng với các em sinh viên đây là khoản phát sinh khó xoay xở. Vì vậy, nhóm có khoảng 20 thành viên đã rủ nhau về hỗ trợ. Sẻ chia được chừng nào hay chừng ấy”.

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại các trường học trên toàn địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục hậu quả sau bão số 5 để đảm bảo an toàn đón trẻ mầm non, học sinh, học viên đi học lại vào sáng nay ngày 17-10. Hiện vẫn còn 9 trường, 3 điểm trường chưa đảm bảo điều kiện để đón học sinh đi học lại do tình hình ngập lụt nặng, công tác dọn dẹp, khắc phục sau bão, lụt chưa hoàn thành.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố đã huy động tối đa lực lượng quân đội, công an… cùng thành phố khẩn trương thực hiện ứng cứu và khắc phục hậu quả lũ lụt để lại. Thành phố ghi nhận những tấm lòng vàng của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và sự chung tay của bà con nhân dân để sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường sớm nhất.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trận mưa ngày 14-10 vừa qua là một trong những trận mưa lớn nhất xảy ra tại Đà Nẵng trong nhiều năm qua, với lượng mưa đặc biệt lớn, lên đến 775 mm đã gây rối loạn giao thông, chia cắt các khu vực trên địa bàn và gây ra tình trạng ngập lụt nhanh ở vùng trũng, các khu dân cư thấp… Bí thư Thành ủy đánh giá cao nỗ lực của các ban ngành, cơ quan, đơn vị chức năng đã phản ứng nhanh trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai. “Cần khẩn trương khắc phục sớm nhất hậu quả lũ lụt để lại. Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng phương án ứng phó phù hợp nhất trong tương lai”, ông Quảng nói.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)