Đứng trước ống kính của du khách phương Tây, một cô bé thổ dân với nước da đen bóng khỏe mạnh đang mỉm cười bẽn lẽn. Trên gương mặt xinh xắn của em là những vết sẹo do người lớn rạch, và được bôi đậm bằng mực đen.
Trẻ con mới sinh ra ở các bộ lạc ở Tây Phi thường được cha mẹ rạch một vết sẹo ở bên trái. Ảnh: Ethioscoop. |
Không chỉ riêng cô bé, nhiều đứa trẻ khác trong các bộ lạc ở Tây Phi như Holi, Somba, Fulani hay Fon cũng "chung sống" vui vẻ với những vết sẹo chằng chịt trên mặt như vậy.
Một đứa trẻ ra đời, sau khi xem xét chúng hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, người trong bô lạc sẽ bắt đầu rạch cho chúng những vết sẹo đầu tiên trên mặt. Thông thường, vết sẹo đầu đời này sẽ khá nhỏ và nằm ngang bên má trái. Theo thời gian, số lượng vết sẹo trên mặt hay cơ thể trẻ em sẽ tăng dần lên. Người lớn cũng có thể rạch một vệt trên da của con mình khi đứa trẻ đang ốm hay lười ăn.
Trong tín ngưỡng của người dân nơi đây, điều này giúp đứa trẻ thoát khỏi sự ám ảnh của những bóng ma, linh hồn xấu hãm hại. Ngoài ra, việc dùng vật sắc nhọn cắt vào da và tạo thành vết sẹo cũng có tác dụng giải phóng những linh hồn xấu ra khỏi cơ thể con người.
Người dân trong bộ lạc rất tự hào về truyền thống này. Không chỉ trẻ con, phụ nữ và đàn ông cũng có nhiều vết sẹo trên mặt cũng như người. Càng lớn, các vết sẹo trên cơ thể họ càng nhiều, được bôi đậm bằng mực xanh hoặc đen.Với họ, như thế mới đẹp. Một phụ nữ xinh đẹp và khỏe mạnh, có nhiều phúc là người có chi chít các vết sẹo trên mặt, bụng, lưng.
Khi một người phụ nữ tạo ra nhiều vết sẹo có nghĩa là họ đã sẵn sàng để kết hôn. Ảnh: Ethioscoop. |
Ngoài ra, việc rạch, khắc lên da thịt còn là một cách "đánh dấu" thành viên bộ lạc. Trong quá khứ, nơi đây có nhiều bộ lạc giao chiến với nhau. Việc tạo ra các hình xăm này giúp những người trong bộ lạc nhận ra nhau và không giết nhầm trong cuộc chiến. Khi trận chiến tàn, đây cũng là cách để mọi người nhận ra thi thể của người quen và mang họ về mai táng.
Eric Lafforgue, một nhiếp ảnh gia Pháp, sau một thời gian tìm hiểu về tục rạch mặt kỳ lạ này, cho biết việc tạo ra một vết sẹo cho đứa trẻ khi còn nhỏ còn là một thông điệp mà người lớn muốn gửi đến chúng: Cuộc sống này rất khắc nghiệt, và con phải sẵn sàng chịu đau đớn.
Ngoài ra, các vết sẹo còn khiến người dân trong bộ lạc tin rằng họ đang được bảo vệ – niềm tin bắt nguồn từ việc buôn bán nô lệ từ nhiều thế kỷ trước. Người buôn bán nô lệ châu Âu rất thích những người da đen mặt mũi sáng sủa, không sẹo. Do đó, những người có nhiều vết cắt trên mặt sẽ bị "loại" và cơ hội được sống sót, không bị bắt làm nô lệ lớn hơn.
Niềm tin đó được các bộ tộc sống ở Benin lưu truyền đến tận ngày nay.
Tại bộ tộc Holi, phụ nữ sở hữu nhiều vết rạch chẳng chịt trên bụng. Họ tin rằng, đó là biểu tượng của cái đẹp và ai càng có nhiều sẹo sẽ càng có nhiều con cái.
Bộ tộc Otammari, phụ nữ sẽ rạch nhiều vết trên lưng khi họ mang bầu với niềm tin điều này mang lại may mắn, sức khỏe. Người dân cũng tin rằng những vết sẹo này khiến họ hấp dẫn hơn. Người đàn ông có càng nhiều vết sẹo trên người thì cơ hội lấy được những cô gái xinh đẹp nhất càng cao. Đó là lý do nhiều người có tới hàng nghìn vết rạch trên cơ thể.
Ngoài mặt, bụng và lưng là nơi được nhiều người dân chọn để rạch tạo sẹo nhất. Ảnh: Ethioscoop. |
Tuy nhiên, cách xăm hình trên cơ thể một cách đầy đau đớn này cũng khiến thổ dân đối mặt với bệnh tật và các bệnh lây nhiễm. Ngày nay, nhiều trẻ em trong bộ lạc cũng đang dần từ chối tập tục lâu đời này.
Tây Phi là khu vực nằm ở cực tây của Châu Phi, bao gồm 16 quốc gia trải dài trên diện tích hơn 5 triệu km2. Phần lớn vùng này là những bình nguyên có độ cao 300 m trên mặt nước biển. Có những điểm cao quan trọng biệt lập trong nhiều quốc gia dọc theo bờ biển phía nam của vùng. Đây là một khu vực rộng lớn cả về địa lý và văn hóa. Hồi giáo là tôn giáo chính ở vùng Tây Phi trong đất liền, xa hơn về phía bờ biển phía tây, Thiên chúa giáo phổ biến ở những vùng ven biển thuộc Nigeria, Ghana và Côte d'Ivoire. Ngoài ra còn có các yếu tố tôn giáo bản địa truyền thống vẫn tồn tại phổ biến đến ngày nay. Trước khi Đế chế Mali và Songhai suy tàn, đã tồn tại một cộng đồng Do Thái giáo khá lớn ở các khu vực như Mali, Sénégal, Mauritania và Nigeria. Ngày nay, người Do Thái sống tập trung ở Ghana, Nigeria và Mali. |
Theo Anh Minh/ VNE
Bình luận (0)