Hơn một tháng ra mắt, bản hit kết hợp giữa R&B, rap và cải lương Về nghe mẹ ru với sự hợp tác của một ê-kíp gồm NSND Bạch Tuyết – nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền – ca sĩ Hoàng Dũng – rapper Casper vẫn chưa hạ nhiệt.
Sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng trẻ đối với bản “tân cổ đời mới” này cùng xu hướng đưa chất liệu cải lương vào các sản phẩm âm nhạc hiện đại tiếp tục đặt ra những câu hỏi lớn về sự sáng tạo đối với những người đang “sống chết” cùng sân khấu cải lương.
Vở cải lương Nàng Xê Đa của sân khấu Đại Việt có nhiều nét mới trong dàn dựng và biểu diễn, mang dáng dấp một vở ca vũ nhạc kịch cải lương hơn là kịch hát truyền thống
“Tính mở” của cải lương
Thực tế, việc kết hợp cổ nhạc và tân nhạc không hề mới. Gần 60 năm trước, cố NSND – soạn giả Viễn Châu đã sáng tạo nên thể loại tân cổ giao duyên. Và như NSND Triệu Trung Kiên nhận định, sự kết hợp giữa vọng cổ với rap, rock hay bất kỳ âm nhạc hiện đại nào cũng là hình thức tân – cổ giao duyên mà thôi.
“Yếu tố cốt lõi là âm nhạc cải lương, mang giá trị không thể trộn lẫn các loại hình nào khác. Âm nhạc cải lương cất lên là đã ra hồn cốt của nghệ thuật cải lương. Nếu giữ được hồn cốt đó thì những điều còn lại với cải lương đều là có thể…”. NSND Triệu Trung Kiên |
Yếu tố cải lương chỉ được mượn để “làm mới” cho tân nhạc, giúp các tiết mục dự thi thêm mới lạ. Như vậy, ở đây là “làm mới” tân nhạc chứ không hẳn “làm mới” cải lương. Nhưng đến Về nghe mẹ ru thì sự phối hợp cổ – kim đã hài hòa hơn rất nhiều. Theo nhạc sĩ – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, có thể coi đây là một tác phẩm “tân cổ đời mới” khi phần cải lương cùng giữ vai trò chính tương đương với phần tân nhạc, chứ không chỉ là chất nhạc được khai thác để tạo điểm nhấn.
HTV cũng đã pha rock, rap vào vọng cổ từ năm 2009 trong các chương trình Vầng trăng cổ nhạc. Thậm chí, không dừng lại ở bài tân cổ, những chất nhạc rất hiện đại đã được sử dụng trong nhiều vở cải lương như một yếu tố mới lạ, thu hút người xem. Năm 2009, đạo diễn Hoàng Duẩn đưa một màn nhảy hip hop vào vở cải lương hài Ọoc… rơ (Đoàn 2 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).
Vở cải lương “tiền tỷ” Kim Vân Kiều tiên phong đưa cải lương ra biểu diễn ở quảng trường
Năm 2016, trong vở Hừng đông về cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (Nhà hát Cải lương Việt Nam), ban nhạc đường phố HUB với những bài rock rực lửa giữ vai trò dẫn chuyện. Năm 2020, NSND Triệu Trung Kiên đã đưa nhạc jazz vào bản Lý con sáo và cả nhạc rap vào vở Cây gậy thần…
Tất cả khẳng định “tính mở” của nghệ thuật cải lương, hay nói như NSND Bạch Tuyết: “Nghệ thuật cải lương bao gồm thi – ca – vũ – nhạc – kịch, nó không từ chối bất cứ loại hình nào cả”.
Biên độ nào cho sự sáng tạo?
Nghệ thuật cải lương vốn gần như không có giới hạn sáng tạo, nó có thể du nhập và dung nạp từ nội dung đến hình thức, những gì rất hiện đại của thế giới cũng như từ bất cứ nền văn hóa nào. Thế nên, từ rất lâu, bên cạnh tuồng Việt, còn đủ loại tuồng Tàu, tuồng Tây, tuồng Nhật lẫn Ấn Độ, La Mã, Ba Tư… Tuy nhiên, mọi sáng tạo chỉ có giá trị khi cải lương vẫn là cải lương chứ không biến tướng thành cái gì khác.
Mọi sáng tạo đều trên nền tảng, cơ sở để tôn vinh chất cải lương chứ không phải làm nhạt nhòa bản sắc loại hình. Cải lương có thể dung nạp bất cứ thể loại nào nhưng tuyệt đối không thể là sự ghép nối tùy tiện. Như từ ý tưởng dùng tân nhạc thay mấy câu hò, nói lối gối vô bài vọng cổ, đến khi ra đời bài tân cổ giao duyên đầu tiên cũng là công đoạn “trần ai” với cố soạn giả Viễn Châu.
Sinh thời, ông từng chia sẻ, đã không biết bao đêm ông ngồi mày mò, đờn đi đờn lại câu nhạc, thử dứt câu ráp vô cổ nhạc có ăn khớp hay không. Sau rất nhiều lần thử, mới rút ra được tân nhạc đưa vào phải dứt ở nhịp tư, thuộc cung ai thì ráp vô vọng cổ “mới êm” được. Và chỉ các ca khúc mang âm hưởng dân ca, gần với chất ngũ cung của âm nhạc cải lương, thì mới quyện được với bản vọng cổ thành tân cổ giao duyên…
Tuy nhiên, theo thời gian đã có những đổi thay trong nhận thức, thẩm mỹ của công chúng. Hôm nay, người ta đã chấp nhận những tiết tấu trẻ trung, mạnh mẽ của rock, rap, power-pop hòa quyện cùng chất trữ tình của cải lương. Nhưng để có được sự hòa hợp mượt mà như ở Về nghe mẹ ru, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đã mất hàng tháng trời để nghiên cứu các thang âm, hòa thanh, nhạc cụ cùng bản phối khí nhằm đặt để cho hợp lý.
Trong vở Cây gậy thần, nghệ sĩ cải lương vừa ca cải lương vừa diễn xiếc.
Phải chinh phục được công chúng
Ở lĩnh vực nghệ thuật, cái mới trước tiên phải qua sự thẩm định của công chúng. Năm 1964, cha đẻ của tân cổ giao duyên đã nhận không ít “búa rìu dư luận”. Nhiều ý kiến cho rằng ông “phá vọng cổ”. Ngay chính NSND Lệ Thủy, người được cố soạn giả Viễn Châu tin tưởng giao thể hiện bài tân cổ giao duyên đầu tiên Chàng là ai? (tân nhạc: Nguyễn Hữu Thiết) ban đầu cũng e sợ. Nhưng bản thu âm này của hãng đĩa Hồng Hoa đã thực sự đưa giọng ca Lệ Thủy ở tuổi 16 bay xa. Đĩa bán rất chạy, các hãng nườm nượp đặt hàng, nhiều soạn giả cũng lao vào sáng tác tân cổ giao duyên, các nhạc sĩ không còn tâm lý e dè khi hợp tác.
Sau này, chương trình Vầng trăng cổ nhạc cũng rất chịu khó đưa cái mới vào cải lương, nhất là kiên trì cải tiến bài tân cổ. Biên tập viên Hiền Phương từng vấp phải phản ứng khá quyết liệt từ giới sáng tác lẫn sự nghi ngờ của nghệ sĩ khi chủ trương “xé câu vọng cổ” chen vào các điệu lý. “Có người cho rằng tôi lạm dụng các điệu lý nhưng đó là điều cần thiết để đẩy nhanh tiết tấu cho cải lương”, ông Hiền Phương cho biết. Thử nghiệm này cũng đã thành công khi câu vọng cổ có chen bài bản đã được chấp nhận và phổ biến đến hôm nay.
Nhiều năm qua, người làm cải lương vẫn liên tục thử nghiệm, điển hình như hai vở “cải lương tiền tỷ” Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào dịp tết 2007 và 2008. Cả hai có sự cách tân táo bạo khi mở rộng không gian biểu diễn từ sân khấu hộp ra quảng trường, cũng như kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật (cải lương, hát bội, xiếc, opera…). Nhiều phản ứng cho rằng sự “cải lương” ở đây đã đi quá. Ngược lại, số khác lại ủng hộ với quan điểm cần thêm thử nghiệm để đo lường hiệu quả.
Vở cải lương Ngạ quỷ với sự kết hợp của nghệ thuật rối vào nghệ thuật cải lương mang lại ấn tượng mới mẻ cho người xem
Ở phía Bắc, sự kết hợp đa loại hình trong tác phẩm cải lương có vẻ nhuần nhuyễn hơn. Ngàn năm mây trắng tạo được sự hòa quyện giữa các loại hình nghệ thuật dân tộc cải lương – chèo – hát xẩm – hát văn Huế. Ngạ quỷ kết hợp các con rối như là nhân vật trong tuồng cải lương. Hai vở diễn Chiếc gậy thần và Thượng Thiên thánh mẫu của dự án “Huyền sử Việt” kết hợp cải lương và xiếc gây hứng thú cho khán giả.
Những nỗ lực đổi mới ít nhiều mang lại hiệu ứng truyền thông tích cực cho nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, xét kỹ ra, phần lớn tác phẩm đều được dựng để đi thi hay trong dịp kỷ niệm đặc biệt. Với kinh phí dàn dựng tốn kém, không dễ để tái đầu tư hay quy tụ lực lượng biểu diễn, do vậy không tiếp cận được đông đảo khán giả, đủ để đo lường thị hiếu hay thăm dò hiệu quả đổi mới.
Năm 2019, soạn giả Hoàng Song Việt, NSND Triệu Trung Kiên cùng các cộng sự hợp lực thành lập sân khấu cải lương mới Đại Việt nhằm mục đích “thực nghiệm” những tác phẩm “cải lương mới”. Thông qua đó có thể thăm dò thị hiếu khán giả mà tìm ra đáp án phù hợp cho hướng đi của sân khấu cải lương trong thời đại mới. Thế nhưng, sau Chuyện tình Khau Vai và Nàng Xê Đa bị “thâm vốn”, thì đơn vị phải cân nhắc rất nhiều cho các dự án mới. “Mong ước làm nhiều cái mới trên sân khấu cải lương vẫn rất khó khi thiếu kinh phí”, soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ.
Có thể thấy người làm cải lương vẫn đang nỗ lực vận động theo thời đại. Đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn quá ít. Trong đó, cơ hội đưa các tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo này đến với đông đảo khán giả lại không hề dễ dàng. Đây lại là một bài toán khó cần người làm nghề nhanh chóng giải đáp nếu không muốn thử nghiệm chỉ mãi là thử nghiệm!
Theo Đông A/PNO
Bình luận (0)