Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim về Trịnh Công Sơn: Cảm xúc và tiếc nuối

Tạp Chí Giáo Dục

Hai phim "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn dù ít nhiều gây ấn tượng nhưng không đủ để đẩy cảm xúc lên thật cao, để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả

Sau một loạt phim điện ảnh Việt "lỗ nặng" trong hành trình chinh phục khán giả gần đây, 2 phim "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" với sự tổng hợp nhiều yếu tố – từ danh tiếng của nhân vật được đề cập cho đến việc đầu tư tâm huyết của ê-kíp – được kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sau các suất chiếu sớm, 2 phim này vẫn chưa có được sự bứt phá.

Ôm đồm tình tiết

Phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người trong giới lẫn khán giả mong đợi ngay từ khi dự án được công bố năm 2019. Đây là tác phẩm mở đầu cho phim Việt khai thác thể loại tiểu sử, chân dung nhân vật nổi tiếng trên màn ảnh rộng. Đến khi ra rạp, tác phẩm này lại khiến nhiều người bất ngờ khi trở thành phim Việt đầu tiên ra mắt 2 phiên bản cùng lúc với thời lượng khác nhau.

Trong đó, phim "Em và Trịnh" dài 136 phút, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn 1950-1990 từ lúc trẻ đến trung niên với sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, không theo trật tự thời gian. Phim "Trịnh Công Sơn" dài 95 phút, tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ với bạn bè, hoàn cảnh ra đời của các ca khúc đình đám và những mối tình thanh xuân. Hai phiên bản đều dựa trên các nhân vật có thật từ gia đình Trịnh Công Sơn, các bóng hồng trong đời ông cho đến bạn bè, song tình tiết có những giả định, hư cấu để phù hợp với diễn tiến câu chuyện mà đạo diễn và ê-kíp thực hiện muốn kể cho khán giả.

Phim về Trịnh Công Sơn: Cảm xúc và tiếc nuối - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Em và Trịnh”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Cả 2 phim có điểm cộng về hình ảnh khi tái hiện sống động không gian trải dài từ Huế đến Đà Lạt, Sài Gòn – TP HCM với những điểm nhấn như: chợ Bến Thành, nhà hàng nổi ở bến Bạch Đằng, gác Trịnh, cầu Tràng Tiền, cà phê Tùng… đầy hoài niệm một thời. Sự chăm chút trong từng khung hình đã đưa khán giả trở về các mốc thời gian mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang sống, dõi theo chuyện tình của ông và những "nàng thơ".

Phần âm nhạc được xử lý mượt mà với những ca khúc mang dấu ấn Trịnh Công Sơn như: "Diễm xưa", "Ướt mi", "Hạ trắng", "Nắng thủy tinh", "Huyền thoại mẹ", "Ta thấy gì trong đêm nay"… Diễn xuất của dàn diễn viên nữ – nhất là Hoàng Hà trong vai Dao Ánh, Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly và Nakatani Akari trong vai Michiko – nhận được nhiều tán thưởng bởi sự hợp vai, tự nhiên, truyền tải nội tâm nhân vật đến khán giả.

Phim về Trịnh Công Sơn: Cảm xúc và tiếc nuối - Ảnh 2.

Cảnh trong phim “Em và Trịnh”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Hai nam diễn viên hóa thân Trịnh Công Sơn lúc trẻ là Avin Lu và lúc trung niên là NSƯT Trần Lực chỉ tròn vai bởi còn các điểm trừ. Avin Lu chỉ thể hiện được nét trong sáng nhưng thiếu đi vẻ si tình và chất nghệ sĩ của một nhạc sĩ tài hoa; còn NSƯT Trần Lực chưa khắc họa được nỗi cô đơn sâu thẳm bên trong Trịnh Công Sơn.

Điểm trừ của "Em và Trịnh" là lạm dụng chuyển động chậm, quá ôm đồm tình tiết khiến câu chuyện dàn trải, lan man và bị lưng chừng, cảm xúc của khán giả vì thế cũng không trọn vẹn. Họ không thể khóc cười cùng nhân vật vì cảm xúc chưa lên đến đỉnh điểm đã bị cắt ngang. Qua góc nhìn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và ê-kíp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ quan sát chiến tranh như người thứ ba, lột tả sự khốc liệt cũng ở góc độ này nên mạch cảm xúc không mãnh liệt.

"Trịnh Công Sơn" khắc phục được sự lan man của "Em và Trịnh" nhưng lại rời rạc, đứt mạch truyện do việc chèn các đoạn phim tư liệu về chiến tranh không hài hòa với nền bối cảnh chung của phim. Hai phiên bản phim này không có nhiều sự khác biệt và sự khác biệt được đưa vào mỗi phiên bản cũng không đặc sắc.

Chờ đợi cú "lội ngược dòng"

Cả hai bản phim "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" có các suất chiếu sớm bắt đầu từ 19 giờ ngày 10-6 đến hết ngày 12-6 và sẽ chính thức khởi chiếu từ ngày 17-6. Tính đến trưa 12-6, theo Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập có sai số nhất định, mang tính tham khảo), phim "Em và Trịnh" có doanh thu hơn 8 tỉ đồng và phim "Trịnh Công Sơn" doanh thu gần 1 tỉ đồng.

Đây không phải là con số ấn tượng nếu so với những phim trước thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau một loạt phim Việt lỗ nặng khi ra rạp như "Kẻ thứ ba", "578: Phát đạn của kẻ điên", "Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác"… thì số liệu nêu trên vẫn đủ để mang đến sự kỳ vọng cho 2 phim về nhạc sĩ họ Trịnh.

Phim về Trịnh Công Sơn: Cảm xúc và tiếc nuối - Ảnh 3.

Cảnh trong phim “Em và Trịnh”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Với mức vốn đầu tư lên đến 50 tỉ đồng, "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" phải gặt hái doanh thu hơn 100 tỉ đồng mới hoàn vốn và có lợi nhuận. Trong thời gian tới, nếu tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt cùng với những thuận lợi khách quan về mặt danh tiếng của nhân vật được khắc họa, 2 phim này sẽ có khả năng mang đến doanh thu tốt hơn. Nhiều người trong giới vẫn mong "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" thành công để khơi gợi, tạo động lực cho nhà đầu tư, sản xuất khai thác dòng phim này.

Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng sau dịch bệnh, kinh tế khó khăn, phần chi tiêu cho giải trí phải thắt chặt nên khán giả chọn lựa nhiều hơn. Họ ưu tiên cho những tác phẩm thương hiệu quốc tế, tin tưởng vào các phim này và đi xem. Vì thế, phim Việt cần phải có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, tạo được hiệu ứng truyền miệng để xây dựng niềm tin nơi khán giả.

Đây là một hành trình không dễ nhưng không phải là không thể. Trước đó, một số phim Việt đã "lội ngược dòng" thành công như: "Bẫy ngọt ngào", "Đêm tối rực rỡ". Ban đầu, doanh thu của các phim này không như kỳ vọng nhưng nhờ vào chất lượng và hiệu ứng truyền miệng, rốt cuộc cục diện đã thay đổi.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của chuỗi rạp CGV, cho biết lượng khán giả đến rạp đã phục hồi khoảng 80% so với trước khi giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Ông vẫn đang tìm hiểu vì sao phim Việt lại không được lòng khán giả trong nước thời gian gần đây. Những phim dở, khán giả không xem đã đành nhưng phim có đầu tư, nội dung ổn, được người trong giới khen ngợi cũng thất bại trong việc chinh phục khán giả. Nhiều nhà sản xuất cho rằng hiện rất khó đoán trước xu hướng của khán giả và không biết họ sẽ ủng hộ tác phẩm như thế nào.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Bình luận (0)