Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Quản lý học sinh cá biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhà trường, thầy cô giáo cần tạo điều kiện để HS thể hiện hết mình trong các phong trào. Ảnh: N.Trinh

Trong các mối quan hệ của học sinh (HS) ở nhà trường, quan hệ nhóm là một trong những quan hệ nổi bật tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của các em.

Quan hệ nhóm và sự ảnh hưởng qua lại của nhóm với các HS diễn ra theo hai hướng, tích cực và tiêu cực. Hướng tích cực sẽ giúp mỗi HS có khả năng tự đánh giá chính mình, điều chỉnh, điều khiển hành vi và xác lập vai trò, vị thế của cá nhân với nhóm, hoặc cổ vũ cái tốt, phê phán cái xấu. Tuy nhiên, khi các nhóm không chính thức xây dựng, và phát triển theo hướng tiêu cực thì có thể ảnh hưởng xấu đến nhân cách mỗi HS. Các em có thể bị tâm lý a dua, chạy theo lợi ích tiêu cực của nhóm, đua đòi, nhiễm thói hư tật xấu để chống đối hoặc khẳng định mình. Thực tế cho thấy, không ít các vụ đánh nhau hội đồng của HS cũng bắt nguồn từ các nhóm không chính thức tiêu cực, điều đó dẫn đến tâm lý cổ xúy cái xấu, chơi trội, bốc đồng… Đặc biệt, đối với HS là thiếu niên thì sự hình thành các nhóm không chính thức tiêu cực sẽ rất nguy hiểm, nếu như không có sự kiểm soát, định hướng kịp thời của giáo viên (GV) thì rất dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, ở mỗi nhóm bao giờ cũng có những “thủ lĩnh” nhất định, đặc biệt là nhóm không chính thức tiêu cực thì thủ lĩnh (còn gọi là “đại ca”, “đầu gấu”) có vai trò, ảnh hưởng đến cả nhóm. Tâm lý “đại ca” có thể ám thị, đe dọa hoặc làm cho những người khác trong nhóm sợ hãi phải phục tùng, tuân theo một cách tuyệt đối.

Để quản lý và phát huy vai trò các nhóm ở tập thể lớp cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất, GV phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động ngoài giờ của HS. Hướng các em vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích, đặc biệt là hoạt động mang tính chất tập thể. Thông qua mỗi hoạt động vui chơi, GV nên giúp HS biết nhận xét, đánh giá cũng như phê phán các thói hư, tật xấu. Trang bị cho các em kỹ năng hoạt động nhóm để đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực của các nhóm không chính thức. Thứ hai, GV bộ môn và GV chủ nhiệm cần nắm vững tâm lý HS, đặc biệt những em có tâm lý cá biệt, hoặc lì lợm hay bốc đồng… Đó là tâm lý dẫn đến sự hình thành các nhóm không chính thức tiêu cực, ảnh hưởng đến sự đoàn kết của tập thể lớp. Tốt hơn hết, nên quan tâm nhiều hơn đến các HS này, đồng thời có thể tổ chức, dẫn dắt các em phát huy lợi thế, sở trường của bản thân trước tập thể, từ đó các em cảm thấy mình được tôn trọng (được thầy cô quan tâm, không bị bạn bè xem thường). Đặc biệt, có thể tin tưởng giao cho những cá nhân có tâm lý thủ lĩnh này đứng đầu những nhóm chính thức tích cực như đội trưởng đội bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ… Tạo điều kiện để các em thể hiện hết mình trong các phong trào. Thứ ba, nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ, khéo léo với phụ huynh trong việc quản lý con cái ngoài giờ học, tránh để các em tụ tập hàng quán dễ gây nên các hiện tượng tiêu cực như đua xe, cờ bạc, đánh nhau… Thứ tư, khi phát hiện một số em có tâm lý nhóm tiêu cực hoặc tâm lý “đại ca” thì GV nhanh chóng xử lý phù hợp bằng cách dùng dư luận tập thể để giáo dục cá nhân vi phạm. Thông qua đó để giáo dục luôn cả tập thể. Thường xuyên nêu gương những tập thể, nhóm tiêu biểu điển hình trong học tập, rèn luyện, đồng thời phân tích để các em hiểu ra việc làm sai trái của mình để tự hoàn thiện.

ThS. Lê Bật Thể (ĐH Nguyễn Huệ)

Nguồn gốc nảy sinh bạo lực học đường

Có thể nói, nhóm không chính thức tiêu cực cũng như tâm lý thủ lĩnh hình thành ở trường học là vấn đề cần phải ngăn chặn kịp thời. Nếu không, những hiện tượng này có thể dẫn đến sự chia rẽ lớp học, hoặc có thể gây ra những hiện tượng bè phái, mất đoàn kết trong tập thể lớp. Đó là nguồn gốc nảy sinh các nạn bạo lực học đường trong thời gian qua. 

 

Bình luận (0)