Các học sinh lớp 6/4 Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa có một trải nghiệm thú vị, độc đáo khi được cùng thầy cô… gặt lúa, đập lúa và phơi lúa.
Học sinh xem những hạt lúa vàng rơi ra sau khi được giáo viên đập
Thu hoạch lúa trong sân trường
Trong tiết thực hành môn khoa học tự nhiên mới đây, thay vì ngồi trong lớp học, các em học sinh lớp 6/4 đã được trải nghiệm tiết học ngay giữa sân trường với cảnh tượng “có một không hai”, đó là được chứng kiến thầy cô giáo thu hoạch lúa. Theo đó, trong khuôn viên sân trường có một ô ruộng nhỏ vàng ươm với những bông lúa chín gục đầu. Cô Lê Thị Thì Quyên (giáo viên môn khoa học tự nhiên) đầu đội nón lá, tay cầm liềm như một người nông dân chính hiệu, thoăn thoắt gặt từng bó lúa. Thỉnh thoảng, cô Quyên dừng lại nhắc học sinh: “Các em quan sát nhé, khi gặt lúa mình phải hết sức khéo léo để liềm không cắt vào tay”. Gặt xong, những bó lúa nhỏ được cô Quyên xếp lại cẩn thận. Thầy Phạm Hữu Đạo (giáo viên môn khoa học tự nhiên) nhận nhiệm vụ bó lúa. Không sử dụng dây thun hay dây gì khác, thầy Đạo dùng chính thân cây lúa bện lại làm thành dây bó lúa, tỉ mẩn và cẩn trọng từng chút để học sinh quan sát. Tiếp theo, công đoạn đập lúa được thầy Bùi Đức Vinh (cũng là giáo viên môn khoa học tự nhiên) thực hiện. Sau mỗi lần đập, những hạt lúa vàng óng rơi ra cùng những tiếng òa lên thích thú của học sinh. Lúa đập xong được sàng sạch và phơi dưới ánh nắng giữa sân trường…
Trong tiết thực hành, học sinh lớp 6/4 được chia thành nhiều nhóm, các em say sưa quan sát từng công đoạn của buổi thu hoạch lúa. Đây là lần đầu tiên các em được trải nghiệm, chứng kiến quy trình hạt lúa được gieo trồng, lớn lên rồi thu hoạch như thế nào. “Em rất thích khi được tận mắt quan sát buổi thu hoạch lúa. Khi các thầy cô giáo thực hành từng công đoạn, em thực sự bất ngờ và thấy rằng để có một hạt lúa nhỏ, người nông dân phải mất nhiều công sức như thế, chưa kể công gieo trồng, chăm sóc. Từ đó, chúng em thấy trân trọng hơn công sức lao động của người nông dân”, lớp trưởng lớp 6/4 bày tỏ. Chia sẻ với các học sinh lớp 6/4, cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, hiện nay với ứng dụng của công nghệ thông tin, máy móc tiên tiến đã từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, giúp người nông dân không còn phải mất nhiều công sức như trước đây. Tuy nhiên, để có được hạt lúa, hạt gạo vẫn là một hành trình “bám đất” nhiều vất vả.
“Thay vì chỉ được một ngày làm người nông dân ở những khu trang trại như trước đây nhà trường tổ chức, hiện nay học sinh và giáo viên nhà trường đã có hẳn 3 tháng trải nghiệm làm người nông dân”, cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) nói. |
Thầy cô giáo tái hiện lại từng công đoạn thủ công cho ra hạt gạo, từ khi gieo trồng, chăm sóc cho đến lúc gặt, đập lúa, xay ra hạt gạo với mong muốn giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn giá trị của sức lao động, trân trọng hơn công sức của người nông dân qua bát cơm các em ăn mỗi ngày. “Các em thấy không, để có được hạt lúa nhỏ bé người nông dân phải mất rất nhiều công sức, mồ hôi và cả nước mắt. Ba tháng gieo trồng cây lúa mới trổ bông, thu hoạch, chưa kể đến thời tiết, chuột, bọ phá hoại. Vậy nên, khi bưng chén cơm ba mẹ nấu, các em phải biết trân trọng công sức người nông dân và biết ơn ba mẹ”, cô Trâm nhắn nhủ.
Đổi mới giáo dục không phải là câu chuyện “đao to búa lớn”
Ô ruộng lúa trong khuôn viên sân trường được Trường THCS Hà Huy Tập gieo trồng từ trước Tết Nguyên đán, ban đầu chỉ là một tiểu cảnh. Về sau, khi cây lúa được chăm sóc kỹ, được tưới nước bón phân mỗi ngày đã phát triển tốt và trổ bông. “Trong suốt 3 tháng ấy, thầy cô giáo cũng hóa thành người nông dân, tự chăm sóc, nhổ cỏ, bón phân cho cây lúa với mong muốn giúp học sinh có những tiết học thú vị, độc đáo, mang tính trải nghiệm cao. Từ ô ruộng lúa này, những tiết học mở đầy hứng thú ngoài không gian lớp học đã được nhà trường tổ chức cho học sinh các khối, đặc biệt là khối 6 đang học Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Hứa Thị Diễm Trâm thông tin.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường bị hạn chế, cô Trâm cho rằng để mang đến cho học sinh những giờ học trải ngiệm đòi hỏi mỗi giáo viên, trường học phải đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo hơn. “Thay vì chỉ được một ngày làm người nông dân ở những khu trang trại như trước đây nhà trường tổ chức, hiện nay học sinh và giáo viên nhà trường đã có hẳn 3 tháng trải nghiệm làm người nông dân. Những trải nghiệm này không chỉ mang đến cho học sinh những kiến thức thú vị, thực tế mà còn giáo dục các em ý thức giữ gìn. Cụ thể, các em vui chơi trong sân trường nhưng vẫn không quên nhắc nhở nhau “chừa” ô ruộng lúa ra. Thành quả thu hoạch được có lẽ sẽ là… nồi cháo gà để thầy và trò cùng ăn trong giờ bán trú”, cô Trâm hào hứng nói.
Giáo viên gặt lúa tronag tiết thực hành môn khoa học tự nhiên
Từ câu chuyện ruộng lúa trong sân trường, cô Trâm cho rằng nhìn xa hơn đó còn là câu chuyện của đổi mới giáo dục. Thành bại của việc đổi mới giáo dục không hẳn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất hay đặc thù học sinh mà đến từ sự chủ động, đồng lòng của cả đội ngũ nhà trường, từ cán bộ quản lý cho đến thầy cô giáo. Nếu người quản lý tin tưởng trao cho đội ngũ sự chủ động, ý tưởng, cùng các thầy cô giáo thực hiện và vun trồng ý tưởng đó thì những tiết học độc đáo, trải nghiệm nằm “trong tầm tay”, và học sinh là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. “Từ ruộng lúa trong sân trường sẽ là bàn đạp để thầy cô giáo trong trường thêm mạnh dạn đổi mới. Đổi mới giáo dục không phải là câu chuyện “đao to búa lớn”, không chỉ đến từ những dự án, công trình mà thực chất đến từ bài giảng của thầy cô giáo mỗi ngày. Theo đó, khi thầy cô giáo không ngại khó, không ngại đổi mới, sáng tạo và được sự hậu thuẫn của người quản lý, thì đó là sự đổi mới rất trân trọng, thiết thực”, cô Trân nhìn nhận.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)