Khi chọn được một nơi học đúng với ước mơ, sở trường thì sinh viên đã có 50% cơ hội để tỏa sáng ở bậc ĐH. Và còn thêm nhiều yếu tố khác để sinh viên có thể tỏa sáng rực rỡ.
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (thứ hai từ phải qua) cùng các cộng sự giao lưu với sinh viên tại chương trình “Hành trình tỏa sáng ở trường ĐH”
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (giảng viên Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, Chủ biên sách “Tỏa sáng ở trường ĐH”) đã nhấn mạnh điều này tại các buổi gặp gỡ sinh viên trong chuỗi chương trình “Hành trình tỏa sáng ở trường ĐH”. ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc từng tốt nghiệp thủ khoa ngành báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khóa 2006-2010; tốt nghiệp loại giỏi ngành quản trị truyền thông ĐH Stirling (Vương quốc Anh) năm 2015.
Phát huy nội lực
Được khởi động từ tháng 11-2019, đến nay “Hành trình tỏa sáng ở trường ĐH” đã có 13 buổi giao lưu, trao tặng hơn 800 quyển sách cho học sinh, sinh viên TP.HCM và một số tỉnh; đồng thời tư vấn chia sẻ trực tiếp với hơn 10.000 sinh viên, học sinh và hàng ngàn sinh viên, học sinh khác qua phương thức phát trực tiếp trên nền tảng: Zoom, Facebook… “Khi tôi và những cộng sự của mình bắt đầu hành trình mang sách “Tỏa sáng ở trường ĐH” đến với học sinh, sinh viên ở Việt Nam; chia sẻ với các bạn trẻ về cách hóa giải những nỗi lo âu trong quá trình học ở bậc học mới, chúng tôi đã nhận được vô vàn câu hỏi. Trong đó có những câu hỏi về lý do phải nỗ lực tỏa sáng cũng như những trăn trở, tâm tư làm sao để tỏa sáng ở bậc ĐH”, ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Và điều đầu tiên khi đi tới bất kỳ trường THPT hay ĐH nào, ThS. Ngọc đều nhắc đi nhắc lại là sinh viên không nhất thiết phải tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi, có nhiều điểm 10, xin được việc khi chưa ra trường, tài khoản tích lũy vài trăm triệu đồng… thì mới tỏa sáng được. Qua đọc sách, sinh viên sẽ tự tìm ra con đường, cách thức phù hợp nhất với mình nên đừng rập khuôn, máy móc theo cách làm của người khác vì có thể phương pháp đó khó hiệu quả với tất cả. Điều thứ hai, ThS. Ngọc nhắn nhủ với sinh viên là hành trình tỏa sáng nằm chính ở nội lực thực sự của các em. Đặc biệt, theo ThS. Ngọc, hành trình tỏa sáng bắt đầu từ những thói quen đơn giản như tự nấu ăn, tự chăm sóc tốt bản thân, tự sắp xếp thời gian, tự quản lý cuộc sống; học được những kiến thức trên lớp, tham gia một câu lạc bộ nào đó cùng bạn bè, tìm cho mình một công việc làm thêm phù hợp, tích lũy kỹ năng sống và có thể có thêm thu nhập đỡ đần gia đình. Không đâu xa, làm tốt những điều đơn giản hằng ngày là cách các em tiến dần đến bục tỏa sáng.
Cần nhận thức nghiêm túc về việc học
Đề cập thêm về cách để thực sự tỏa sáng, ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra rằng, không có công thức chung nhưng từ trải nghiệm của bản thân, chị đúc kết: Muốn tỏa sáng, sinh viên cần nhận thức nghiêm túc về việc học. Theo đó, sinh viên phải xác định rõ mình học ngành nào, trường gì; ngành nghề đó có phù hợp với năng lực và sở thích của mình không; môi trường đó có đúng với nguyện vọng và hoàn cảnh kinh tế gia đình mình không? Và khi chọn được cho mình một nơi học đúng với ước mơ, sở trường của mình thì sinh viên đã có 50% cơ hội để tỏa sáng. Tiếp theo, sinh viên cần phải xác định được việc học ĐH để làm gì; để có thêm kiến thức hay học để có một cái nghề; biết cách nhanh chóng hội nhập với môi trường mới, học tập với phương châm mới: “Biết – hiểu – áp dụng”. Khi xác định rõ mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của mình trong hành trình học ĐH thì dù cho học trực tuyến hay trực tiếp, sinh viên sẽ có thái độ và cách lên lớp nghiêm túc. Và để hiện thực hóa những mục tiêu của bản thân, sinh viên cần xây dựng được “những thói quen thành công”. Những thói quen như tập thể dục mỗi sáng, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước lọc, ít thức khuya sẽ giúp các em có cuộc sống lành mạnh và đủ sức khỏe để học tập. Nhiều bạn trẻ hay chủ quan, ỷ vào sức trẻ của mình nên thường xuyên thức đêm chỉ để luyện phim, chơi game. Tuy nhiên, quỹ thời gian mỗi người đều có hạn, việc giải trí, nghe nhạc, chơi game… cũng nên vừa đủ, đừng để bị nghiện. Sinh viên nên xây dựng một thời gian biểu chi tiết trong ngày và mỗi tuần cho mình; tuân theo thời gian biểu sẽ giúp hoàn thành được mục tiêu và xây dựng thói quen lành mạnh.
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, thời đại này nếu sinh viên biết cách sử dụng internet phục vụ học tập và nghiên cứu thì sẽ tiếp cận được nguồn tài liệu khổng lồ trên mạng. Vì vậy, mỗi lần lên mạng, các em đừng chỉ lướt Facebook mà hãy dùng nguồn tài liệu khổng lồ này cho việc học hành, nghiên cứu… |
Việc lên lớp, nghe giảng, ghi chép khoa học, giao tiếp với giảng viên, chia sẻ bài vở với bạn bè…, theo ThS. Ngọc cũng cần được chú ý. Những môn nào cần làm nhóm, nên chọn những thành viên bổ trợ cho điểm chưa mạnh của mình, dùng ưu điểm của mình để hoạt động nhóm hiệu quả. Những môn thực hành, nên nắm vững lý thuyết và tuân thủ từng bước hướng dẫn của giảng viên. Những bài tập giảng viên yêu cầu làm, cần làm đầy đủ và tốt nhất là ngoài sách giáo trình chính, hãy dành thời gian để đọc thêm số sách tham khảo mà thầy cô đã giới thiệu. “Tất nhiên chúng tôi không quên một điều mà các em sinh viên quan tâm hơn cả là làm thế nào để vượt qua các kỳ thi. Mỗi giai đoạn thi khác nhau sẽ có cách học bài khác nhau, sinh viên cần nắm bắt kỹ. Thi tự luận và trắc nghiệm cũng có cách làm bài khác biệt nên các em cũng cần chú ý”, ThS. Ngọc nhấn mạnh.
Về chuyện học ngoại ngữ, ThS. Ngọc quan điểm, hiện nay nếu sinh viên không có trong tay một ngoại ngữ nào thì sẽ rất chật vật trên con đường học hành, làm việc. Các em cố gắng làm chủ việc sử dụng tiếng Anh trong những năm học ĐH và sau đó hãy học thêm một ngoại ngữ nữa nếu thật sự muốn tỏa sáng rực rỡ. Những sinh viên muốn xin học bổng, đi du học sau ĐH thì chú ý trang bị thông tin đầy đủ về vấn đề du học cũng như cách tiếp cận với nguồn học bổng. Hãy tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và một điều không thể thiếu đó là trao đổi với giảng viên. Các thầy cô biết nhiều nguồn học bổng để hướng dẫn sinh viên tiếp cận. Và đương nhiên, tiếng Anh nói riêng hay ngoại ngữ nói chung là điều kiện tiên quyết để các em bắt tay thực hiện ước mơ này.
Thục Trân
Bình luận (0)