Học mà không hành bạn ơi/ Chữ thầy lại trả thầy thôi, còn gì?/ Học mà biết hành thường xuyên/ Chữ thầy học một nhân lên gấp mười!
Mấy câu thơ nôm na đó đã chỉ cho ta rõ việc cần thiết học phải đi đôi với hành. Thiếu hành việc học sẽ trở nên rẻ rúng, tẻ nhạt; rất dễ bị rơi rụng, bị mai một, bị lãng quên nhanh chóng. Do đó, hành chính là cơ hội để các kiến thức vừa học có cơ hội được kiểm nghiệm, được minh chứng, được xác tín một cách thuyết phục, tạo thành ấn tượng trong việc ghi nhận nó vào bộ nhớ người học. Phải chăng đó cũng chính là lý do vì sao học và hành lại gắn liền nhau như cặp song sinh trong từ học hành đã hiện diện trong kho tàng từ vựng tiếng Việt từ xa xưa.
Ngày còn học phổ thông, tôi có thói quen: Cứ học buổi nào về nhà là làm ngay bài tập buổi đó. Những kiến thức nóng hổi vừa học đó sẽ có cơ hội thuận lợi được huy động, được đánh thức, được vận dụng một cách kịp thời nên dễ dàng khắc sâu vào bộ nhớ một cách thích thú. Hôm sau, không tốn thời gian học bao nhiêu vẫn nắm chắc, hiểu sâu, nhớ lâu phần lý thuyết mới được trang bị.
Một kiểu hành nữa mà tôi rất mê là hiện thực hóa các bài học bằng cách mày mò làm cho bằng được các bài tập thực hành dù thầy cô có yêu cầu hay không. Học bài về quy tắc bình thông nhau tôi về mày mò dùng rọc đu đủ kết hợp với các ống dây rau muống làm bằng được hệ thống bình thông nhau như bài học. Học bài về núi tôi kỳ công đắp một dãy núi giả rất kỳ khu với nhiều đỉnh núi cao, trong lòng nó có các hang động và cả thác nước nữa. Tôi còn đóng riêng một quyển vở để vẽ tất cả các bản đồ lịch sử, bản đồ địa lý đã học về Việt Nam cũng như các nước. Học bài về chiếc bàn tính tôi không ngần ngại tìm tre kỳ cạch cả tuần lễ đóng luôn một chiếc khá kỳ công để thực hành dù ngón chân cái sau đó bị tổn thương sưng rộp nhiễm trùng cả tháng mới lành. Học định lý Pi-ta-go tôi về dùng thước đo luôn chiếc sập gỗ nhà mình xem có đúng bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh bên trong tam giác vuông không… Nhờ thói quen học gắn liền hành như vậy nên kết quả học tập của tôi luôn được khẳng định.
Học sinh tham gia một ngày hội khoa học do ngành GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Tại đây, các em được ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn. Ảnh: N.T |
Từ tố hành trong từ học hành còn mang ý nghĩa rất quan trọng là học lý thuyết phải gắn liền với thực tế; biết áp dụng, hiện thực hóa nó trong cuộc sống hàng ngày. Một bạn học bài Lễ độ trong môn giáo dục công dân, kiểm tra đạt điểm 10. Song khi thầy đưa vở trả bài lại cầm bằng một tay. Ai cho quà chỉ biết nhận không hề nửa lời cảm ơn. Khi gây phiền hà người khác không biết xin lỗi. Người bạn đó trăm lần đáng phê phán. Bạn có học vấn nhưng hoàn toàn không có văn hóa sống. Bạn không xác lập được các giá trị sống của mình nên khó được cộng đồng chấp nhận. Rõ ràng bạn đã học mà không hành; không biết biến kiến thức đạo đức đã học thành các hành vi đạo đức chuẩn mực. Kiến thức mà bạn có được chỉ là mớ lý thuyết suông không hề có giá trị gì trong việc tạo dựng nên nhân cách của mình.
Cách học xa rời thực tế, cách biệt với việc thực hành như vậy đang là hiện trạng đáng buồn trong không ít giới trẻ hiện nay. Đó cũng là nguyên nhân của những hành vi phi văn hóa, phi đạo đức chuẩn mực trách nhiệm công dân của một bộ phận giới trẻ dù họ được trang bị kiến thức ở bậc không thấp.
Để hiện trạng này ngày một giảm, tiến tới loại bỏ trong cuộc sống văn minh, Đảng và Nhà nước đã thông qua chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà với tinh thần ưu tiên coi trọng việc giáo dục nâng cao phẩm chất, năng lực, kỹ năng người học bằng giải pháp giảm lý thuyết, tăng phần thực hành gắn với thực tế với nhu cầu cuộc sống đầy cơ hội và thách thức thời hội nhập.
Để chiến lược này trở thành hiện thực, mỗi người học cần ý thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của hành trong học, từ đó luôn thực hiện nó một cách đầy trách nhiệm với tương lai của mình và của đất nước.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Mỗi người học cần ý thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của hành trong học, từ đó luôn thực hiện nó một cách đầy trách nhiệm với tương lai của mình và của đất nước. |
Bình luận (0)