Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nam Cao – Nhà văn của đời thường

Tạp Chí Giáo Dục

1. Đọc truyện ngắn Nam Cao, điều trước tiên đập vào mắt ta là những tên truyện tác giả đặt cho nó. Chẳng lựa chọn cho thật đặc biệt, thật “kiêu”, nhằm gợi trí tò mò thu hút người đọc, tiêu đề của truyện Nam Cao là những từ, cụm từ, những câu có tính chất như một thông ngôn khẩu ngữ. Mường tượng như câu chuyện sắp diễn ra sau là một chuyện quá đời thường, không đáng kể đặt cho cái tên thật “kiêu”. Ta gặp tiêu đề một tiếng như: “Nghèo”, “Cười”…, tiêu đề bằng tên gọi nhân vật: “Chí Phèo”, “Dì Hảo”, “Lão Hạc”, “Lang Rận”… hoặc về một việc làm, một hành động: “Nhỏ nhen”, “Truyện tình”, “Xem bói”, “Ở hiền”, “Mua nhà”, “Làm tổ”, “Đón khách”… Có những tiêu đề bình thường đến mức tưởng như không phải tiêu đề trong một thiên truyện nữa: “Trẻ con không được ăn thịt chó”, “Những chuyện không muốn viết”… Đôi khi vì tuyệt nhiên công khai cho việc chống lại xu hướng văn học thoát ly hiện thực đương thời, mà ngay cách đặt tên truyện cũng mang quan niệm của ông: “Một truyện Xú-vơ-nia”, thay vì nói kỷ niệm.


Phiên b
n gi đnh v tác phm Chí Phèo ca Nam Cao do hc sinh Trưng THPT Tây Thnh (TP.HCM) thc hin. Ảnh: Ngọc Tuấn

2. Cách đặt tên truyện như thế cũng dễ hiểu, nó thích ứng với nội dung, đề tài mà Nam Cao quan tâm. Nam Cao chẳng hề bận lòng đến những vấn đề mang tính thời đại lớn lao, truyện ông đi vào khai thác những sự việc “bình thường, xoàng xĩnh” của cuộc sống thực tại. Ông “rủ rỉ” kể về nó không biết mệt mỏi, mổ xẻ nó ngay cả những góc cạnh thật đến nỗi những người đang sống không thấy được nếu cứ nghĩ đó là những điều không đáng quan tâm. Truyện ông có thể “đong từng vực cơm cho mỗi người mỗi bữa” (Nghèo); tính từng xu tiền dầu (Giăng sáng); suy xét thiệt hơn cho vài hào cơm hay phở trong khi đã mệt lả và đói đến thắt ruột (Xem bói)”… Khác với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, khi viết về nông thôn, Nam Cao ít đi vào những xung đột giai cấp gay gắt và miêu tả trên một bình diện rộng. Nhà văn chủ yếu tập trung vào những cuộc đời cụ thể của những anh Chí, Lão Hạc, Dì Hảo, Nhu, cụ Lộ… Nam Cao khai thác “cái hàng ngày” nhưng tuyệt nhiên không rơi vào “chủ nghĩa tự nhiên”. Truyện Nam Cao đầy rẫy những nỗi trăn trở về cái đói, cái ăn như một sức mạnh vô hình thắt chặt lấy số phận các nhân vật. Từ “Nghèo” đến “Một đám cưới”, “Lão Hạc”, “Quái dị”, “Một bữa no”… Từ chứng thực của cuộc sống là sự nghèo nàn, miếng ăn, cơn đói… Nam Cao đã khái quát hóa bằng một lối nói hết sức tổng quát nhưng lại cụ thể, cấp bách: “Cái lợi vì nhà đỡ một miếng ăn”, “cái sự ăn”, “cái sự đắt” (Một đám cưới); “Cái đời thật khổ”, “cái ngữ tiêu”, “cái sự mua quà”, “cái thể không chết được” (Trẻ con không được ăn thịt chó). Và vô cùng những lối khái quát hóa khác trong đề tài tiểu tư sản nghèo, như “Giăng sáng”, “Đời thừa”, “Những truyện không muốn viết”… Điều này làm cho người đọc cảm thấy điều ông băn khoăn tuy nhỏ nhưng không phải không có vấn đề. Đó là nguyên nhân của mọi sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình (Từ ngày mẹ chết, Dì Hảo…), là mẹ đẻ của sự tha hóa và mất cả nhân tính (Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó…), là đầu mối của nhiều cái chết nghiệt ngã (thắt cổ tự tử trong truyện “Nghèo”, ăn bả chó ở truyện “Lão Hạc”, chết bội thực vì ăn quá no trong “Một bữa no”), và còn là “con vi khuẩn” cực mạnh phá vỡ mọi mộng đẹp lý tưởng của những ước muốn về nghệ thuật chân chính (Giăng sáng, Đời thừa…).

3. Không gian miêu tả trong truyện Nam Cao là những vùng nông thôn, những căn nhà nơi thôn dã, những con đường làng xơ xác… Không phải không gian náo nhiệt tiếng trống, tiếng chiêng của Ngô Tất Tố, cũng không phải không gian đầy cảm xúc của Thạch Lam. Không gian văn Nam Cao vắng lặng, u tịch, hoang điều. Ở đó “Những người đàn bà váy bạc phếch xúm xít quanh một bánh đúc của bà xã Vận” (Dì Hảo), hay “Cả bọn lủi thủi đi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ…” (Một đám cưới). Đời sống thật của nhân vật hiện lên cụ thể, sinh động trong cái không gian này. Giọng văn Nam Cao ở đây đượm chất văn xuôi đời thường của cuộc sống. Đặc biệt là nhân vật tiểu tư sản trí thức, những tiếng “điếc lác, dằn vặt, hắt hủi và khóc lóc” hàng ngày đã làm xói mòn dần dần những rung động, những mơ ước của Điền, Hộ… Nó vạch trần cuộc sống thật vốn không thể có đối với con mắt nhìn của người đầy mộng mơ. Truyện Nam Cao vì vậy có tính hiện thực sâu sắc.

Cùng với không gian, “thời gian đời thường” cũng là một sáng tạo đặc sắc của Nam Cao. Trong “thời gian hằng ngày”, nhân vật của ông dường như bị giam hãm, tù túng, luẩn quẩn trong vòng những lo âu thường nhật (nhà cửa, miếng ăn, manh áo, thuốc men…). Thời gian trong một số sáng tác của ông như đong đặc lại, tù túng, xoay theo một quỹ đạo khó chuyển lay. Thời gian này thường xung khắc với thời gian “hồi tưởng”, làm cho giọng văn càng trì trệ, nghiệt ngã (Chí Phèo, Giăng sáng, Đời thừa…).

4. Cách miêu tả trong văn Nam Cao cũng rất riêng. Nhà văn lấy tâm trạng và nội tâm nhân vật để nhìn thấu ra cảnh vật. Nam Cao không để cho chữ nghĩa, ngôn ngữ che lấp việc miêu tả. Tác giả trân trọng đến mức tối đa đặc điểm của tình huống, diện mạo, tính cách với sự chính xác của các chi tiết. Ông không tả cảnh, tả tình theo cách làm của văn chương.

Câu văn Nam Cao không phải là câu văn gò đẽo, gọi vuốt. “Văn ông gọn, đanh, khỏe, lời văn gấp, dồn dập, những tình tiết bình thường lặp lại nhiều lần, dâng lên đầy ứa…”. Chính sự chồng chất các hiện tượng, thuộc tính, đặc điểm cùng loại hoặc gần gũi của đối tượng trong từng câu, đoạn văn đã “thể hiện cảm giác ghê tởm, khủng khiếp trước hiện tượng quá mức tồi tệ, quá mức chịu đựng của con người”. Khác với Nguyễn Công Hoan với lối văn đầy những tiếng nhại, tiếng mỉa, tiếng pha trò, nét cường điệu, phóng đại.

Văn Nam Cao lặp lại rất nhiều những liên từ, từ nối, những từ “thì”, “là”, “mà”… Dường như Nam Cao không phải đang sáng tác văn chương mà ông đang kể, đang thuật lại những gì chính mắt ông trông thấy:“Bao nhiêu là thứ! Thị nêu lên như một người mất cướp. Nhưng nó đã muốn thì mặc nó. Thị cứ mua cho nó. Rồi bán gì trả nợ đi thì bán. Còn thì ăn, hết thì nhịn. Bố ăn lắm thì con chết đói. Cùng lắm thì bồng bế nhau đi ăn mày… Thị vừa thở dài vừa đi… Bây giờ thì mọi thứ đã xong rồi. Con chó hơi gầy. Nhưng gầy thì cũng tốt” (Trẻ con không được ăn thịt chó). Ta bắt gặp rất nhiều đoạn văn theo lối nói dạng này trong “Chí Phèo”,“Những chuyện không muốn viết”, “Điếu văn”…

5. Ngôn ngữ Nam Cao sử dụng là lời ăn tiếng nói, nếp nghĩ quen thuộc của quần chúng. Ngôn ngữ ông “giản dị mà phong phú, chắc chắn mà uyển chuyển, tinh tế, có khi xù xì, dài dòng nhưng vẫn trong sáng, đậm đà”. Ông thường xem những từ khẩu ngữ, tục ngữ, ca dao… Ngôn ngữ Nam Cao hoàn toàn xa lạ với thứ văn chương “sạch sẽ” của Tự lực Văn đoàn, nó lại không “ngồi chung cùng chiếu” với những nhà văn hiện thực “phong tục”. Đại loại như: “Cố kéo co mới được một tấm năm xu”, “tiền rừng, bạc bể chả dễ nuốt được đâu”, “Trông anh chàng như con giun chết, không thương được…” (Điếu văn). “Hắn ngồi bó củi, cằm ghích trên đầu gối. Mặt hắn thưỡn ra…” (Mua danh). Mặt khác, với lối vận dụng uyển chuyển, Nam Cao đã đưa vốn tục ngữ, thành ngữ, ca dao vào lời văn của mình một cách sinh động: “Ăn không nên đọi, nói không nên lời”, “Cái nghề quan bám thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu”, “Trông anh chàng như con giun chết”, “Mắt híp lại như mắt lợn sề”,“đa nghi như con chuột”…

Nếu đặt Nam Cao cạnh A.P.Chekhov – một bậc thầy truyện ngắn Nga, thì cơ sở của sự tương đồng đầu tiên là họ đều “rủ rỉ về những điều vặt vãnh, những sự việc xoàng xĩnh của đời sống hàng ngày”.

Trn Ngc Tun

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)