Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy viết cho học sinh vùng khó

Tạp Chí Giáo Dục

Dy viết nhm rèn luyn cho HS biết cách nghĩ và biết din đt suy nghĩ ca mình sao cho rành mch, sáng sa, t đúng đến hay. Kết qu ca cách nghĩ là có ý và biết sp xếp các ý hp lý. Kết qu ca din đt là có văn. Nghĩa là bài viết va phi có ý va phi có văn…


H
c sinh THCS v tranh đ hc văn (nh minh ha)

Khi viết lại phải chú ý kiểu bài, nhưng kiểu bài là khái niệm rất tương đối, vì thực tế người viết thường kết hợp nhiều phương thức biểu đạt trong một văn bản. Cho nên vấn đề quan trọng nhất của dạy viết là dạy cách nghĩ và cách diễn đạt. Để đạt được mục đích ấy, chủ yếu là cho HS thực hành, không nên nhồi nhét lý thuyết, qua thực hành mà hình thành cách viết về mỗi kiểu bài, cách tìm ý, lập dàn ý, cách diễn đạt… Cũng như để hình thành cách đọc, không thể cứ mỗi thể loại phải có một bài học lý thuyết rồi mới dạy đọc văn bản, mà thông qua đọc văn bản cụ thể để hình thành lý thuyết về đọc theo thể loại.

Dạy cho HS vùng khó cũng cần chú ý tới các yêu cầu quan trọng nêu trên, nhưng do đối tượng khác nhau nên cách dạy cần phù hợp. Cụ thể, giáo viên tổ chức cho HS thực hành về kiểu bài được học, không cần dạy phần lý thuyết ở mục định hướng (sách Cánh diều). Trong phần thực hành, giáo viên nêu đề văn (có trong sách hoặc tự ra). Từ đó tổ chức cho HS thực hành theo 4 bước.

Bước 1, sách đã nêu rõ HS cần chuẩn bị những gì, giáo viên cho HS làm theo. Bước 2, tìm ý và lập dàn ý. Đây là bước quan trọng nhất để dạy cách nghĩ. Từ vấn đề cụ thể, giáo viên cho HS tìm ý bằng cách hướng dẫn các em tự đặt ra các câu hỏi xung quanh vấn đề ấy: là gì, vì sao, như thế nào, ở đâu, lúc nào, chuyện gì, bằng cách nào…? Đặt và trả lời câu hỏi thực chất là xem xét, lật đi lật lại vấn đề dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, không nhìn vấn đề một chiều… để bài có nội dung phong phú, đầy đủ. Đầu tiên, giáo viên yêu cầu HS đặt các câu hỏi tìm ý, nêu được càng nhiều câu hỏi càng tốt. Sau khi HS nêu hết, giáo viên gợi ý thêm các câu hỏi còn thiếu và cho các em trao đổi để loại đi những câu hỏi không phù hợp. Đó là dạy cách đặt câu hỏi. Sau tìm ý là lập dàn ý, sách đã nêu lên dàn ý của bài văn theo ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Trong mỗi phần đã có ý lớn và một vài ví dụ cụ thể, nhưng không gợi ý cho tất cả. Giáo viên cho HS thực hành nhằm cụ thể hóa các ý chưa có trong ba phần ấy; tức là để HS tự tìm ra, hoàn chỉnh thêm các ý theo yêu cầu của mỗi phần. Chẳng hạn, sách đã có yêu cầu và gợi ý cho phần mở bài: “Nêu khái quát về kỷ niệm em định kể. Ví dụ: Kể về một lần cô giáo đã giúp em khi học lớp 4; hoặc chuyện em đã ân hận như thế nào khi trót nói dối bạn cùng học lớp 5…” (bài 3: Kể về một kỷ niệm). Khi dạy, từ gợi ý của sách giáo khoa, giáo viên yêu cầu HS: dựa vào các ý vừa tìm được ở trên có thể nêu lên các kỷ niệm khác, hoặc cụ thể tiếp gợi ý của sách giáo khoa: Một lần cô giáo giúp em là chuyện gì? Chuyện em đã trót nói dối bạn như thế nào?… Tương tự như thế là phần thân bài, sách giáo khoa cũng đã nêu lên các gợi ý, giáo viên chỉ cần cho HS tìm hiểu và cụ thể hóa các ý ấy ra như: Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện…; kể lại diễn biến câu chuyện…; nêu điều làm em nhớ hay vui buồn, xúc động. Giáo viên không cần yêu cầu thêm nhiều các ý lớn khác làm nặng thêm và quá sức với HS. Bước 3, viết thành văn; với HS lớp 6 vùng khó, giáo viên chỉ cần cho các em thực hành viết một đoạn trên lớp (4-5 câu) với yêu cầu diễn đạt một ý ở mở bài, thân bài hay kết bài. Giáo viên yêu cầu tất cả HS phải viết thành đoạn văn bằng lời văn của mình, dù có thể còn rất vụng về, phạm nhiều sai sót cả ý và chính tả, ngữ pháp, dùng từ… Đó sẽ là ngữ liệu để thực hành ở bước 4. Theo đó, bước 4 là kiểm tra, chỉnh sửa. Dù có ít thời gian, giáo viên vẫn cần cho HS tập nhận biết và chỉ ra các lỗi trong một đoạn văn đã viết của bất kỳ HS nào vừa làm ở bước viết. Giáo viên nên chép lên bảng đoạn văn mắc lỗi, yêu cầu HS nhận biết và nêu cách sửa; không nêu tên HS mắc lỗi… Về thời lượng: trừ bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ cần hai tiết viết bài trên lớp, các bài còn lại với ba tiết của phần viết, giáo viên dành nhiều thời gian cho bước 2 và 3, ít nhất mỗi bước một tiết.

Dạy viết cũng cần dựa vào mẫu, nhưng cần hiểu mẫu ở đây là mẫu về cách tìm ý, cách lập ý, cách viết, trong đó có các ví dụ cụ thể. Mẫu như vừa nêu là mẫu để dạy cách làm, cách viết, cần cho phát triển năng lực tạo ra văn bản, chứ không phải mẫu nội dung để HS bắt chước và chép lại. Giờ dạy viết như thế cũng chỉ cần có sách giáo khoa và cách thức giáo viên tổ chức cho HS thực hành là chính, không bắt buộc phải có máy tính, phương tiện dạy học, kết nối internet hoặc tranh ảnh… gì cả mà vẫn đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình. Giáo viên không đưa thêm nội dung, làm nặng thêm bài học, chỉ khai thác những gì có trong sách giáo khoa và gợi dẫn các câu hỏi khó thành dễ hiểu, gần gũi với HS hơn. Không dạy phần lý thuyết (định hướng) mà chỉ hướng dẫn các em thực hành theo sách giáo khoa để tạo ra bài văn của mình. Viết là thực hành tạo ra bài văn bằng bàn tay và khối óc của HS; giáo viên không nên làm thay, không nặng về dạy lý thuyết; “trăm hay không bằng tay quen”, cứ làm khắc biết.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Bình luận (0)