Nghị quyết 01/2021 do Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa ban hành (gọi tắt là Nghị quyết 01) có những hướng dẫn cụ thể về việc xử lý tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015. Các hướng dẫn này được xem là liều thuốc hữu hiệu “trị” hành vi cho vay lãi nặng.
Tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp dán trên các cột điện, tủ điện
Quy định rõ hành vi phạm tội
Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) vừa bắt Đào Xuân Thắng (31 tuổi) và 6 người khác để điều tra hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Qua điều tra, C02 xác định, Thắng và vợ là Phạm Thị Thúy Hằng (32 tuổi) thuê chung cư tại TPHCM cho các “đàn em” Hải Phòng vào ở, chuyên lôi kéo người vay tiền với lãi suất cao. Vợ chồng Thắng và đồng phạm đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội; kết nối với các đối tượng môi giới ngành ngân hàng, tài chính giới thiệu người có nhu cầu vay vốn kinh doanh, đầu tư, buôn bán hay cần đáo nợ ngân hàng.
Tùy hình thức góp theo ngày hay mỗi nửa tháng, Thắng lấy lãi 300% đến hơn 1.000%/năm. Theo cơ quan điều tra, một số người dù đã trả hàng chục tỷ đồng tiền lãi cho Thắng và đồng phạm, nhưng tiền gốc vẫn còn nguyên hoặc bị cộng dồn với số nợ cao hơn. Trong nhiều vụ, băng nhóm này gây sức ép để con nợ phải sang tên bất động sản, ô tô cho chúng.
Trên đây là một vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Trên thực tế, không phải vụ việc nào cũng được xử lý, vì mức lãi suất không “khủng” như trên hoặc số tiền thu lợi bất chính thấp… Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá, Nghị quyết 01 có nội dung quy định rất cụ thể về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử hành vi này.
Trước Nghị quyết 01, chưa có quy định thế nào là thu lợi bất chính, và không có hướng dẫn phải sung quỹ Nhà nước hay trả về đương sự số tiền gốc và tiền thu lợi bất chính. Năm 2019, TAND tối cao có hướng dẫn tháo gỡ, nhưng không chỉ rõ trường hợp nào bị xử lý hình sự vì cho vay lãi nặng. Nghị quyết 01 đã nêu chi tiết nhiều trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Chẳng hạn, người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, các lần thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên và chưa lần nào bị xử lý hành chính thì bị truy cứu về tội cho vay lãi nặng.
“Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” có mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, Luật sư Trần Đức Phượng thông tin.
Không bỏ sót tội phạm
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc Công ty Luật 360) phân tích, bản chất việc cho vay lãi nặng là hoạt động dân sự, nhưng lại là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nên Nghị quyết 01 còn hướng dẫn “Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm”. Hướng dẫn này là một trong những chế tài mạnh mẽ so với các chế tài được quy định trong Bộ luật Hình sự. Như vậy, hành lang pháp lý nghiêm trị vấn nạn cho vay lãi nặng đã có đầy đủ, nhưng để xử lý hiệu quả tội phạm này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan trong tiếp nhận nguồn tin, đơn thư tố giác tội phạm kịp thời, nhanh chóng.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận xét, Nghị quyết 01 với những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan công an xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi tố vụ án hình sự đối với người cho vay lãi nặng. Khi đó, cơ quan công an sẽ không lo ngại các quyết định khởi tố, kết luận điều tra của mình không được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn… “Nghị quyết 01 có vai trò quan trọng trong việc không bỏ sót tội phạm, không để các đối tượng vi phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, luật sư Lê Trung Phát đánh giá.
Theo Nghị quyết 01, nếu người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau để đòi nợ (như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản…) thì còn có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng. Do đó, luật sư Trần Đức Phương khuyến cáo, khi người vay bị các đối tượng cho vay đe dọa, gây rối thì cần tố giác, sớm cung cấp thông tin cho công an địa phương để cơ quan điều tra có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thêm hành vi phạm tội độc lập tương ứng đó.
Nghị quyết 01 giải thích, “cho vay lãi nặng” là việc cho vay tiền với lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất theo khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự (lãi suất, mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm; nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm).
Nếu cho vay bằng tài sản khác (không phải tiền), cơ quan chức năng cũng như các bên phải quy đổi tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
|
MINH NGHĨA (theo SGGP)
Bình luận (0)